Sáng 27/9, Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Noru, kết nối tới trụ sở UBND 8 tỉnh, thành gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; và 1.155 xã, phường, thị trấn. Đây là những khu vực tâm bão hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru, hiện đạt cấp 15, gần cấp siêu bão.
Ở vị trí đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa biển Đông, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết hiện còn 17 hộ với 55 người chưa di dời. Huyện không di dời tập trung mà cho người dân ở ghép với hộ có nhà kiên cố. Tỉnh đã cử hai bác sĩ ra đảo để sẵn sàng hỗ trợ y tế cho bà con.
Thủ tướng đã yêu cầu chính quyền huyện Lý Sơn sơ tán dân tại chỗ, nếu cần thiết có thể tính đến phương án đưa vào đất liền. Tuy nhiên, theo bà Hương, chính quyền huyện đảo có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú, đảm bảo an toàn nếu bão đổ bộ.
Tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch di dời hơn 44.000 hộ dân. Lương thực đã được dự trữ, nhất là khu vực miền núi có nguy cơ bị chia cắt. Gần như toàn bộ diện tích lúa hè thu và 85% diện tích nuôi trồng thủy sản đã được thu hoạch. Tỉnh còn 3 tàu trên biển nhưng dự kiến 10h sáng nay thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Trước băn khoăn của Thủ tướng về việc phòng chống bão cho các ngôi nhà cổ ở di sản Hội An, lãnh đạo phường Tân An, cho biết đã huy động lực lượng tập trung chằng chống, di dời dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và hạn chế thấp nhất hư hại tài sản.
Đa số địa phương cho biết đã kêu gọi tàu thuyền vào bờ, lên kế hoạch cấm người dân ra đường trong tối nay; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho nơi phải di dân đến; cấm ngư dân ở lại tàu thuyền đang neo đậu và nơi nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ...
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, qua kiểm tra thực địa, các tỉnh thành Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão, bảo đảm an toàn hồ đập. Trên biển, còn 9 tàu đang di chuyển về phía nam, thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão.
"Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định phải quyết liệt yêu cầu người dân di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, không loại trừ khả năng ngư dân khi thấy biển động do bão có nhiều cá sẽ cố đánh bắt", Bộ trưởng nói, cho biết với các tàu neo đậu cần có phương án cưỡng chế nếu người dân cố tình ở lại khi bão vào.
Theo Bộ trưởng, vấn đề cây xanh đường phố, cây xanh ở các khu dân cư cần tận dụng thời gian còn lại trước khi bão vào bờ để gia cố, cắt tỉa ngay. Ở miền núi, do hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn, sạt lở nên cần có phương án xử lý để không xảy ra các sự cố, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói cơn bão Noru diễn biến phức tạp, theo dự báo mới nhất bão đã tăng hai cấp so với ngày hôm qua, cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất cấp 15, giật cấp 17. "Mục tiêu lớn nhất là chúng ta phải bảo vệ bằng được tính mạng và tài sản cho nhân dân", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kiên quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, tàu thuyền, ven biển, cửa sông, nhà yếu, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất có thể, trước khi bão đổ bộ.
"Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân", Thủ tướng nói, cho biết nếu người dân không đến nơi an toàn thì rất khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Công an, quân đội cần bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn để người dân sơ tán. Lương thực, thực phẩm, y tế cho người dân đi sơ tán phải đảm bảo.
Thủ tướng thống nhất "nâng lên một cấp" về phòng chống bão Noru (hiện là cấp 4) để không bị động. Nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến vẫn bảo đảm an toàn. Dù ở thời điểm hiện tại trời quang, mây tạnh, địa phương tuyệt đối không được chủ quan.
Với phương châm "vừa phòng tốt, vừa chống đỡ hiệu quả", Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương lưu ý đến an toàn hộ đập, chống sạt lở; không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm; hạn chế tối đa tàu va chạm trong lúc neo đậu như từng xảy ra ở các cơn bão trước đây; bảo vệ tài sản, người yếu thế, học sinh, người gia, phụ nữ mang thai, trẻ em, khách du lịch phải ở lại do bão.
Các địa phương được yêu cầu sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng công nghệ thông tin đang có để tuyên truyền cho người dân; hạn chế người dân ra đường khi bão vào. Các tỉnh phải phân công lãnh đạo trong Ban Thường vụ trực tiếp xuống cơ sở đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan và người dân.
Đến sáng nay, các địa phương ở vùng cơn bão có thể đi qua đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; rà soát, lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 người tại các vùng nguy cơ cao.
Theo phương án trước đó, các tỉnh từ Quảng Bình tới Bình Thuận đã sẵn sàng sơ tán 868.230 dân. Các hộ dân phải sơ tán do có nhà ở vùng ven biển, cửa sông, có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở; sinh sống trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh thủy sản, khu dân cư có thể bị lũ quét...