Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đưa ra tại hội nghị sáng 18/7, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, 6 tỉnh thành trong khu vực gồm: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Đông Nam Bộ với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021). Vùng đóng góp 32% GDP của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt nhiều thách thức như: mạng lưới hạ tầng nội vùng và liên vùng thiếu dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước, chênh lệch phát triển giữa các địa phương, nguồn lực bị phân tán...
Theo người đứng đầu Chính phủ, để thúc đẩy phát triển Đông Nam Bộ, ngoài cơ chế chính sách đặc thù cho TP HCM theo nghị quyết 98, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá cho toàn vùng tập trung vào một số lĩnh vực theo đề xuất các bộ ngành và địa phương.
"Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên mới làm được", Thủ tướng nói và dẫn chứng nếu khó khăn về tài chính, không có tiền thì phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để huy động được nguồn lực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cần hỗ trợ các tỉnh, thành trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, không thuộc thẩm quyền của các địa phương. Ông dẫn chứng một vấn đề của Đồng Nai nhưng liên quan cả vùng, nếu Đồng Nai muốn giải quyết theo cách của Đồng Nai, còn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu lại muốn làm theo cách của mình thì sẽ rất khó khăn.
"Hội đồng không phải cấp hành chính, không thay được cấp ủy và chính quyền nhưng giúp Thủ tướng trong công tác điều phối, liên kết", Thủ tướng nói và yêu cầu những vấn đề phát sinh trên địa bàn mà liên quan đến vùng thì địa phương đề xuất hội đồng giải quyết nhanh.
6 tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ cũng được đề nghị lập bộ phận giúp việc bám sát nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng, hoàn thành trong tháng 7 này. Đến cuối năm, cơ quan thường trực rà soát, kiện toàn tổ chức và thẩm quyền của hội đồng. "Đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, không hình thức. Đã làm là phải ra sản phẩm, của cải vật chất, phải lượng hóa được", Thủ tướng yêu cầu.
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành và đại biểu cũng đồng tình và đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù để phát triển vùng Đông Nam Bộ. Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khu vực này cần được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để có thể cộng hưởng sức mạnh.
Theo chuyên gia này, nghị quyết 98 cho phép TP HCM thí điểm thực hiện TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết giao thông công cộng). Nếu áp dụng mô hình này cho cả Đông Nam Bộ sẽ rất thuận lợi cho kết nối giao thông vùng. Chẳng hạn dự án vành đai 3 TP HCM đi qua Bình Dương. Nếu phần đất dọc tuyến đường này được sử dụng phát triển đô thị, logistics sẽ tận dụng được nguồn lực phát triển liên kết vùng.
"Nếu làm tốt TOD, quỹ đất đô thị hóa là 'con gà đẻ trứng vàng' cho ngân sách, và thông được nguồn lực để làm đường rất hiệu quả", ông Lịch nói và đề nghị các nội dung phân cấp, phân quyền trong Nghị quyết 98 của TP HCM có thể áp dụng cho các địa phương khác mà không cần nghiên cứu thêm để tạo tính đồng bộ trong thể chế.
Tương tự, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đề xuất tập trung nghiên cứu một số cơ chế như phân cấp, phân quyền triệt để cho các tỉnh, thành có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng liên vùng. Việc này nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp.
Lê Tuyết