"Ba người này quyết định sát hại tôi", cựu thủ tướng Khan nói trong cuộc họp báo ngày 4/11, cáo buộc Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, Bộ trưởng Nội vụ Rana Sanaullah và một chỉ huy quân đội cấp cao liên quan đến vụ nổ súng trước đó một ngày tại huyện Wazirabad, tỉnh Punjab, cách thủ đô Islamabad gần 200 km.
Chính phủ Pakistan bác cáo buộc của cựu thủ tướng Khan, đồng thời cho biết vụ ám sát do một tay súng theo chủ nghĩa tôn giáo cực đoan gây ra. Vụ nổ súng vào đoàn tuần hành yêu cầu tổ chức bầu cử sớm khiến một người thiệt mạng và ít nhất 10 người bị thương, trong đó cựu thủ tướng Khan bị bắn vào chân.
Fawad Chaudhry, cựu bộ trưởng thông tin Pakistan và là người đứng sau ông Khan khi vụ nổ súng xảy ra, cho biết "toàn bộ người đứng ở hàng đầu đều trúng đạn". Một người ủng hộ ông Khan đã hạ gục tay súng để tránh có thêm thương vong, ông Chaudhry nói.
Cảnh sát Pakistan bắt một nghi phạm khác liên quan tới vụ nổ súng. Video được cho là ghi lại lời khai của nghi phạm cho thấy người này nói rằng ông Khan "làm mê muội công chúng", đồng thời cho rằng đoàn tuần hành ồn ào gây gián đoạn lời kêu gọi các tín đồ Hồi giáo tới thánh đường cầu nguyện.
Bộ trưởng Nội vụ Sanaullah nhận định vụ tấn công "là trường hợp điển hình về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo". "Lời khai của nghi phạm trong video rất đáng báo động và rất đáng sợ", ông Sanaullah nói trong cuộc họp báo sau vụ tấn công.
Ông Khan cùng Thủ tướng Shehbaz nhiều tháng qua chỉ trích gay gắt lẫn nhau, họ cho rằng đối thủ tham nhũng và có năng lực kém cỏi. Các cuộc đấu khẩu giữa ông Khan và ông Shehbaz làm leo thang tình hình chính trường Pakistan, vốn thường xuyên căng thẳng.
Pakistan trong nhiều thập kỷ ghi nhận nhiều âm mưu ám sát nhằm vào quan chức cấp cao. Thủ tướng đầu tiên của Pakistan là Liaquat Ali Khan bị bắn chết trong cuộc mít tinh ở Rawalpindi năm 1951. Cựu thủ tướng Benazir Bhutto thiệt mạng năm 2007 khi một quả bom phát nổ gần xe của bà ở thành phố Rawalpindi.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)