Chiều 30/12, sau khi cùng đại diện các bộ ngành trả lời câu hỏi tại buổi đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương sớm hướng dẫn người dân tham gia đề án trồng một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Địa phương tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Hộ gia đình, tổ chức hợp tác, doanh nghiệp cần tăng liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hài hòa lợi ích chủ thể tham gia. Phương châm là "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau".
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi nông dân phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch, an toàn. Người dân tăng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế để thích ứng biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội, "biến nguy thành cơ, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nông dân cần nắm bắt xu thế thị trường, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị gắn với nhu cầu trong nước và xuất khẩu. "Xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ, cách làm cũ manh mún, nhỏ lẽ, tự cung tự cấp", Thủ tướng nói.
Việt Nam sẽ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, thân thiện môi trường, phát thải thấp, hiệu quả cao, bền vững, nhằm tăng năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập nông dân.
Thủ tướng cũng lưu ý tạo điều kiện khuyến khích nông dân học nghề, nâng cao năng lực. Các loại hình tư vấn nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tiếp tục mở rộng.
Hội nông dân và các địa phương hỗ trợ nhóm nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có đủ năng lực, điều kiện thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Đây là hạt nhân thúc đẩy tri thức hóa nông dân.
Các cơ quan tổ chức tốt cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn nông dân sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình tiên tiến.
"Cần nâng cao hiệu quả tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân và mở rộng mô hình hội nông dân cho vay vốn tín chấp sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nói và yêu cầu các cấp bố trí vốn ngân sách, huy động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân.
Quy hoạch phải chú ý tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững cho công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Các vùng nguyên liệu sẽ kết hợp mục tiêu hấp thụ carbon.
"Đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp để mỗi nông dân có thể truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm phụ thuộc vào khâu trung gian từ sản xuất, phân phối", Thủ tướng lưu ý.
Buổi đối thoại Thủ tướng Phạm Minh Chính với nông dân có 70 đại diện sản xuất kinh doanh giỏi tham dự tại trụ sở Chính phủ; kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. Cùng tham gia trả lời các câu hỏi của nông dân có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.
Những năm qua, nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP nông nghiệp 2023 ước đạt 3,83%, cao nhất một thập niên. Xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, với 10 nhóm ngành hàng đạt kim ngạch từ một tỷ USD. Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, giá trị 4,8 tỷ USD.
Viết Tuân - Phạm Chiểu