Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Tổng thống Mỹ George Bush tại Hà Nội năm 2006. Ảnh: AFP. |
Nội dung thảo luận giữa Mỹ và Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 23 đến 26/6 sẽ tập trung vào hàng loạt vấn đề như giáo dục, năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và hội nhập kinh tế khu vực. Tuyên bố của Nhà Trắng còn nêu bật mối quan hệ song phương Việt-Mỹ “gắn với cam kết chung về quan hệ thương mại vững mạnh, an ninh và thịnh vượng của khu vực và hợp tác y tế, giáo dục.”
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, trong cuộc họp báo chiều nay, nhấn mạnh rằng, đây sẽ là chuyến thăm lẫn nhau liên tiếp trong 4 năm qua của lãnh đạo cao cấp hai nước. Ông bày tỏ tin tưởng sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Mỹ lần này sẽ thu được thành công lớn và đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Các chuyến thăm cấp cao |
Lãnh đạo Việt Nam thăm Mỹ: Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng (2001), Phó Thủ tướng Vũ Khoan (2003), Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2007) |
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Mỹ được thực hiện theo lời mời của Tổng thống George Bush và diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đã bước sang giai đoạn ổn định và sâu rộng hơn.
Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7/1995 và hai năm sau, hai bên lần lượt mở tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco. Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ có hiệu lực vào tháng 12/2001, quan hệ buôn bán giữa hai nước tăng nhanh từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên gấp 5 lần vào năm 2005 và đạt 12 tỷ USD vào năm ngoái.
Cán cân xuất khẩu song phương luôn nghiêng về phía Việt Nam và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện Mỹ đã đầu tư hơn 5,5 tỷ USD vào Việt Nam và đứng thứ 5 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài kinh tế, hai nước cũng ký kết nhiều thỏa thuận và ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế và lao động. Từ năm 2004, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách 15 nước được ưu tiên nhận viện trợ về phòng chống HIV/AIDS của nước này.
Việt Nam và Mỹ còn đang tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giải quyết hậu quả chiến tranh, chống khủng bố, an ninh-quân sự. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt về nhận thức trong vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo.
Đình Chính