Câu chuyện về việc bãi bỏ Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương một lần nữa được đặt ra khi Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ ngày 31/8 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nêu quan điểm về điều kiện nhập khẩu xe không chính hãng - vấn đề được dư luận chú ý gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước.
“Không thể biến đất nước thành nơi tiêu thụ ôtô của toàn thế giới. Thông tư 20 có những mặt chưa được thì khi bỏ phải có chính sách quản lý thay thế tốt hơn, phải chú ý tới khuyến khích sản xuất trong nước như thế nào”, Thủ tướng nói.
Lấy ví dụ khi nước Mỹ xảy ra khủng hoảng đã bỏ hàng tỷ USD để cứu hãng ôtô GM, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, mở cơ hội kinh doanh nhưng cũng phải có biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước phát triển. Ông cũng yêu cầu phải quản lý tốt được thị trường và các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, giá cả và các hoạt động trốn thuế nếu phát sinh.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trao đổi kỹ lưỡng để đi tới thống nhất trước khi xem xét quyết định.
Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành và có hiệu lực vào tháng 6/2011 và hết hiệu lực vào 1/7/2016 với quy định: các doanh nghiệp và thương nhân nhập khẩu xe ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy ủy quyền nhà nhập khẩu hay nhà phân phối. Doanh nghiệp cũng phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn được Bộ Giao thông vận tải cấp.
Trước nhiều ý kiến phản đối của doanh nghiệp, trong báo cáo gửi tới Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương tỏ quan điểm đồng ý bỏ Thông tư 20. Tuy nhiên, Bộ này cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
"Tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam", Bộ Công Thương đề xuất và khẳng định quy định được đưa ra vì mục đích muốn bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra dự thảo Thông tư mới về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là điều kiện bắt buộc. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu xe phải có bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, quy định theo ý tưởng mà cơ quan quản lý đưa ra thì chiếc "vòng kim cô" về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ muốn nhập khẩu ôtô chính hãng vẫn còn đó.
Kỳ Duyên