Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, gồm các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngày 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba định hướng phát triển hợp tác trong bối cảnh khu vực và toàn cầu biến động phức tạp, khó đoán định.
Thủ tướng cho rằng để đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, các bên cần sớm triển khai Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực, nhằm đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại-đầu tư, ổn định tài chính, mở cửa thị trường, nâng cao hiệu quả lưu chuyển, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác.
ASEAN+3 cần tranh thủ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, điện toán đám mây, internet vạn vật...
ASEAN và ba nước đối tác cũng cần tự cường trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề nghị ASEAN+3 đẩy mạnh hợp tác quản lý thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng, ưu tiên cao hơn cho hợp tác chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Về tình hình khu vực, Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, không có chiến tranh, thuận lợi cho phát triển cho các quốc gia và cả khu vực Đông Nam Á cũng như Đông Bắc Á.
Ông nhấn mạnh, dù trong bất cứ vấn đề gì, yếu tố quan trọng nhất là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước UNCLOS 1982.
Các bên cần đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, chung tay ứng phó các thách thức toàn cầu, cùng nhau định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch, đề cao luật pháp quốc tế với ASEAN giữ vai trò trung tâm và sự giúp đỡ, hỗ trợ hợp tác hiệu quả của các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 27, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư cần tiếp tục là động lực chính, đồng thời đẩy mạnh kết nối các nền kinh tế hai bên.
Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào ASEAN; đề nghị Nhật tăng hỗ trợ doanh nghiệp ASEAN tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước này, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao.
Việt Nam cũng cho rằng cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh...
Nhằm kiến tạo tương lai phát triển tự cường và bền vững, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN, tiểu vùng Mekong ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải, trong đó có thông qua sáng kiến "Cộng đồng Phát thải ròng bằng 0 châu Á".
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản, cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tăng kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường phối hợp chiến lược vì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Việt Nam đánh giá cao Australia tích cực ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, giải quyết hòa bình tranh chấp, nỗ lực hoàn tất COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS 1982, góp phần xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần phối hợp tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hai bên cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa đối với các mặt hàng nông sản, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Việt Nam cảm ơn Australia ưu tiên hỗ trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển "thuận thiên", thích ứng biến đổi khí hậu. Thủ tướng mong nước này cấp thêm học bổng cho sinh viên các nước ASEAN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi với các quốc gia trong khu vực ứng phó thách thức, nắm bắt cơ hội, cùng xây dựng một khu vực kết nối chặt chẽ hơn, tự cường hơn, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chung.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 21, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên vun đắp nền tảng chung về văn hóa, xã hội, con người, phát triển quan hệ ngày càng vững mạnh, toàn diện.
Thủ tướng ủng hộ các sáng kiến của Ấn Độ như Sáng kiến Liên minh năng lượng mặt trời, Liên minh nhiên liệu sinh học, Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, cũng như đề nghị Ấn Độ hỗ trợ phát triển dược phẩm.
ASEAN và Ấn Độ cần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển bứt phá, phát huy những thế mạnh có tính hỗ trợ lẫn nhau và mở cửa thị trường của nhau hơn nữa.
Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam mong muốn Ấn Độ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác Mekong - sông Hằng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững toàn khu vực.
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo thông qua Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Ấn Độ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và Tuyên bố chung về thúc đẩy chuyển đổi số.
Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Canada, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định quyết tâm cùng ASEAN hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada vào năm 2025.
Canada sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết và ưu tiên hợp tác, như sáng kiến Cửa ngõ Thương mại Canada tại Đông Nam Á trị giá 24 triệu đôla Canada (CAD), cũng như giải ngân hiệu quả Quỹ tín thác ASEAN-Canada trị giá một triệu CAD cho các các chương trình, dự án hợp tác hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ASEAN và Canada ưu tiên kết nối giao thương, đầu tư, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada trong năm 2025 cũng như tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP.
ASEAN - Canada cần mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo, hỗ trợ các nước trong khu vực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cấp thêm học bổng cho các sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước trong khu vực đến Canada.
Việt Nam đề nghị Canada đẩy mạnh hợp tác nâng cao khả năng chống chịu trước các thách thức của biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước ASEAN và đặc biệt là tiểu vùng Mekong trong chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Canada tham gia hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 8 đến 11/10 tại Vientiane, Lào. Đây là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng nhất của ASEAN trong năm, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Timor-Leste và 10 đối tác của ASEAN, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.