"Hai nước chúng ta vừa là bạn, là đối tác gần gũi, tin cậy, vừa có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hóa, dân tộc, đặc biệt là tình cảm thông gia bền chặt qua nhiều thế hệ", Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 3/7 phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul nhân chuyến thăm Hàn Quốc.
Ông cho biết quan hệ song phương trong hơn ba thập kỷ qua đã trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á, với mức độ hợp tác thành công "chưa từng có".
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số một về đầu tư trực tiếp, du lịch, số hai về hợp tác phát triển (ODA), số ba về lao động, thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong ASEAN. Hợp tác lao động mở rộng, hợp tác về văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và nền tảng xã hội ngày càng phát triển.
"Việt Nam nhất quán coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục phát triển thực chất, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng để đưa quan hệ hai nước phát triển hơn, hai bên cần tập trung thúc đẩy 5 ưu tiên. Trước hết, Việt Nam - Hàn Quốc ưu tiên củng cố nền tảng quan hệ, hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cam kết, thỏa thuận cấp cao, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hai nước ưu tiên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng bền vững.
Việt Nam - Hàn Quốc phấn đấu kim ngạch thương mại đến năm 2025 đạt 100 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 150 tỷ USD. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ sinh học.
"Cần tăng cường hợp tác phát triển (ODA), nhất là các dự án quy mô lớn với điều kiện ưu đãi đặc biệt", Thủ tướng đề xuất.
Ưu tiên thứ ba là tạo đột phá về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch song phương. Việt Nam mong Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm thành công trong phát triển ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung.
"Giới trẻ Việt Nam rất hâm mộ phim Hàn Quốc, K-pop, người dân Việt Nam thích ăn kim chi", Thủ tướng đề cập đến mối quan hệ văn hóa giữa hai nước. "Việc người dân Hàn Quốc đến các nhà hàng Việt Nam thưởng thức món phở đã trở thành thói quen hàng ngày".
Hàn Quốc liên tục có lượng khách du lịch cao hàng đầu vào Việt Nam. Hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục đào tạo giữa hai nước ngày càng hiệu quả. Khoảng 70 cặp địa phương hai nước ký kết quan hệ hợp tác. Khoảng 80.000 gia đình đa văn hóa đã trở thành cầu nối quan trọng và bền vững cho hai nước.
Việt Nam - Hàn Quốc cần ưu tiên đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Hai bên cũng ưu tiên chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Hàn Quốc xem Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển; khuyến khích chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Ưu tiên thứ năm là hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương tại Liên Hợp Quốc, các khuôn khổ ASEAN - Hàn Quốc, Mekong - Hàn Quốc; đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Hai nước ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa, duy trì hòa bình và ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng tin tưởng thế hệ trẻ là chủ nhân của tương lai, lực lượng tiên phong trong phát triển và xây dựng đất nước. Ông mong sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Quốc gia Seoul sẽ trở thành những nhân tố quan trọng đóng góp hữu ích cho công cuộc xây dựng đất nước và cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong phiên hỏi đáp, bà Bùi Thị Mỹ Hằng, Viện Nghiên cứu châu Á, đặt câu hỏi về tầm nhìn của Thủ tướng để có sự cân bằng hơn trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ hai nước hướng tới tương lai gắn kết và cùng phát triển. Theo ông, Việt Nam và Hàn Quốc đang hướng tới mối quan hệ cân bằng với nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc và ông cũng đã đề nghị Hàn miễn thị thực cho người dân Việt Nam, bước đầu áp dụng với một số nhóm.
Trả lời nghiên cứu sinh Song Hyun-chun về mối quan tâm của chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mối quan tâm đầu tiên là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tiếp đến là ổn định chính trị, an toàn xã hội. Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng xác định và tìm cách giải quyết bốn nguy cơ đe dọa gồm tụt hậu, chệch hướng, diễn biến hòa bình, tham nhũng, tiêu cực.
"Việt Nam chú trọng công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau", ông nói. "Chúng tôi cũng quan tâm đến mối quan hệ quốc tế vì muốn đi xa thì phải đi cùng nhau".
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7. Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 12/2022.