"Chính phủ đang làm mọi điều có thể để tìm kiếm và cứu hộ" nạn nhân của trận động đất, Thủ tướng Sushil Koirala cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters. "Đây là một thách thức và thời khắc vô cùng khó khăn với Nepal."
Thủ tướng Koirala phát biểu khi những người sống sót của trận động đất cho biết sự tuyệt vọng trong họ đã biến thành giận dữ, do chính phủ phản ứng quá chậm chạp trước thảm họa động đất. Nepal đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo, với thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác thiếu nghiêm trọng.
8 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 4.600 người chết
CNN dẫn số liệu do nhà chức trách Nepal công bố hôm nay cho biết, số người chết do trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal hôm 25/4 đã lên đến hơn 4.600 người. Số người bị thương là hơn 9.000.
Liên Hợp Quốc ước tính có 8 triệu người cùng hơn hai triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi trận động đất, trong đó 1,4 triệu người đang cần được hỗ trợ về lương thực. Hiện có nhiều tổ chức và chính phủ từ 16 quốc gia viện trợ và cử người đến hỗ trợ cho Nepal, tuy nhiên khó khăn vẫn chồng chất.
Theo một số báo cáo, những khu vực gần tâm của trận động đất đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn.
Thủ đô Kathmandu trong cảnh tan hoang, tuy nhiên còn ở những nơi xa hơn, bên ngoài thành phố, tình hình được dự báo có thể cũng tệ hại không kém.
Nhiều cộng đồng ở những nơi hẻo lánh, vùng núi cao bị tàn phá nặng nề nhưng việc tiếp cận các khu vực này hiện gặp rất nhiều khó khăn bởi đường sá bị chia cắt, giao thông tắc nghẽn, hệ thống thông tin liên lạc không ổn định.
Tất cả các bệnh viện đều phải đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế. Bác sĩ phải chuyển hàng trăm bệnh nhân ra khỏi những bệnh viện cổ, thực hiện phẫu thuật ở các cơ sở tạm.
Người đứng đầu lực lượng Khắc phục Thiên tai Ấn Độ, một trong các tổ chức đầu tiên hỗ trợ Nepal, cho biết việc tìm kiếm các thi thể và dọn đống đổ nát cần nhiều thời gian. Thách thức hiện nay là lo nước sạch, lương thực, chỗ ở và phòng dịch bệnh cho những người sống sót.
Hàng nghìn người vẫn không dám quay trở về nhà vì lo sợ dư chấn sẽ tiếp diễn khiến các tòa nhà kém vững chãi tiếp tục sụp đổ. Nhiều người Nepal đang tháo chạy khỏi thủ đô Kathmandu đến vùng đồng bằng, sau những ngày sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát và bị bệnh tật đe dọa.
Một số thông tin ít ỏi được đưa lên qua mạng xã hội cho thấy phần nào tình hình: nhiều ngôi làng bị san bằng hoặc vùi lấp trong những trận lở đất gây ra bởi địa chấn. "Những khảo sát ban đầu mà chúng tôi có được từ vùng tâm chấn đề cập dến sự tàn phá gần như hoàn toàn", Jeremy Konyndyk, giám đốc Văn phòng quản lý hỗ trợ thiên tai của USAID cho biết.
Quốc tế nỗ lực hỗ trợ
Trước những thiệt hại quá lớn mà Nepal phải hứng chịu, nhiều nước trên thế giới cam kết giúp khắc phục hậu quả thảm họa.
Mỹ, Ấn Độ, Israel, Pakistan cùng nhiều quốc gia đã gửi hàng hóa viện trợ khẩn cấp và nhân sự hỗ trợ tới Nepal.
Hội Chữ Thập Đỏ huy động 1.500 tình nguyện viên và 300 nhân viên y tế túc trực giúp sơ cứu các nạn nhân bị thương đồng thời cung cấp các trợ giúp cần thiết khác.
Liên đoàn Quốc tế Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ mở chiến dịch quyên góp hơn 35 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp.
Washington cam kết chi 10 triệu USD đẩy mạnh công tác ứng phó và khôi phục sau thảm họa.
Ủy ban châu Âu hỗ trợ 3 triệu euro (hơn 3 triệu USD) để cung cấp nước sạch, thuốc men, lều trại và dịch vụ viễn thông ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ấn Độ điều 13 máy bay vận tải quân sự chở hàng tấn thực phẩm, chăn màn và hàng cứu trợ khác sang Nepal.
Tuy nhiên, hiện có rất ít dấu hiệu hỗ trợ quốc tế ở Kathmandu, khi một số chuyến bay cứu trợ không thể hạ cánh vì sân bay chính trong thành phố phải đóng cửa nhiều lần do các dư chấn.
Nepal ước tính có 300.000 khách du lịch quốc tế ở nước này khi động đất xảy ra. Việt Nam có khoảng vài chục người, chủ yếu là khách du lịch, có mặt ở Nepal vào hôm 25/4. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hiện đã liên lạc được với các nhóm du lịch này, tuy nhiên vẫn còn 9 người nữa chưa có tin tức.
Thủ đô của Nepal tan hoang sau động đất
Vũ Hoàng (video: BBC)