Chiều 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng đến thăm cơ sở y tế sau khi nhậm chức, ngày 5/4.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch so với một số nước trong khu vực, dù đợt dịch này chủng virus biến thể có khả năng lây lan nhanh, cường độ mạnh, khó kiểm soát và điều trị hơn. Ông gửi lời cảm ơn đến lực lượng y tế trên toàn quốc đã chiến đấu trách nhiệm, góp sức ngăn chặn, đẩy lùi ba đợt dịch trước và đang tiếp tục nỗ lực trong đợt dịch này.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, sau khi đợt dịch thứ 3 kết thúc (sau Tết - liên quan dịch từ Hải Dương - Quảng Ninh), Việt Nam trải qua 34 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Do đó đã dần sinh ra tư tưởng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch, ở cả người dân và các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là bệnh viện. Cùng với đó, trải qua kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 dài bốn ngày, người dân "bung tỏa tâm lý", tấp nập đi du lịch, tham quan khắp nơi.
"Đây chính là nguyên nhân khiến đợt dịch lần này lây lan nhanh, số lượng bệnh nhân mắc mới nhiều, có thể vượt qua cả đỉnh đợt dịch Hải Dương nếu không kiểm soát tốt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng dẫn chứng từ các bệnh viện đã từng "thủng lưới" Covid-19 như Bạch Mai, Đà Nẵng và gần 10 bệnh viện phải cách ly y tế trong đợt dịch này, "đáng báo động ngành y tế". Thủ tướng yêu cầu các bệnh viện khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót để không lặp lại tình huống bệnh viện thành nơi có dịch. Ông bày tỏ "nơi chống dịch lại thành ổ dịch khiến nhân dân không hài lòng".
Thủ tướng cũng nhắc lại chiến lược chống dịch "chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công". Theo ông, để tấn công Covid-19 hiệu quả, cần kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng chống khắc phục hậu quả dịch và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng chỉ ra 5 điều cần phải "tấn công" trong tình hình dịch hiện nay. Trong đó, quan trọng nhất là huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng cường xét nghiệm trên diện rộng những nơi có nguy cơ nhiễm Covid-19. Từ đó phát hiện ca bệnh sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình.
Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi đơn vị phải "tự lo" cho địa phương mình. Để tránh khuynh hướng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không hoảng hốt, mất bình tĩnh, không làm chủ được tình hình mà đưa ra các biện pháp cực đoan. Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu các cấp cần tỉnh táo, sáng suốt, có bản lĩnh để "không vì phát triển kinh tế mà hy sinh sức khỏe nhân dân".
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương được yêu cầu xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở địa phương mình. Riêng với ngành y tế, ông đề nghị tăng cường trang bị các thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng tiếp nhận cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, ngành y tế cần đẩy mạnh hoạt động tiếp cận các nguồn để mua thêm vaccine Covid-19. Dù rằng hiện nay vaccine rất khan hiếm, điều kiện để mua vaccine cũng rất khó khăn và đặc biệt, nhưng vẫn phải cố gắng để mua thành công. Với vaccine, một mũi tấn công chủ động rất quan trọng khác mà Việt Nam đang làm là tập trung nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.
"Chúng ta sẵn sàng mua bản quyền vaccine nếu hãng dược đồng ý bán", Thủ tướng đề nghị.
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM là bệnh viện công lập hạng 1 của Bộ Y tế. Bệnh viện tiếp nhận trung bình 7.000 lượt khám bệnh, 1.000 bệnh nhân nội trú, 150 ca cấp cứu và 100 ca phẫu thuật mỗi ngày.
Giám đốc bệnh viện Nguyễn Hoàng Bắc cho biết ngay từ đầu dịch năm ngoái, bệnh viện đã áp dụng các biện pháp chống dịch an toàn. Khoảng 14.000 lượt người ra vào bệnh viện mỗi ngày đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Những người có nguy cơ đều được khám sàng lọc. Đặc biệt, một sản phụ có yếu tố dịch tễ đã sinh mổ an toàn ngay trong phòng cách ly Covid-19 với đầy đủ sự hỗ trợ của trang thiết bị, ê kíp sản nhi, chỉ sau 2 giờ tiếp nhận.
Định kỳ 7-17 ngày, đơn vị tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên cho nhóm nhân viên y tế, người bệnh có nguy cơ cao. Bệnh viện duy trì lấy 20 mẫu xét nghiệm nCoV tầm soát ngẫu nhiên hàng ngày đối với bệnh nhân ngoại trú và nhập viện. Đến nay chưa phát hiện ca dương tính. Năng lực xét nghiệm khẳng định nCoV của bệnh viện là 2.000 mẫu, trong 24 giờ và thường xuyên hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM xét nghiệm cộng đồng hơn 7.000 mẫu.
Hiện, 2.939 nhân viên y tế bệnh viện đã được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca mũi 1.
Thư Anh