"50 năm qua diện tích rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 80%. Riêng giai đoạn 2011-2016 mỗi năm, mất 300-500 ha, hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông, kênh rạch bị ảnh hưởng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh miền Tây về tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập ở khu vực này, chiều 12/8.
Theo Thủ tướng, là địa bàn quan trọng nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt nhiều thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn Mekong, dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ; đặc biệt tình trạng suy giảm mạnh phù sa, sụt lún, hạ thấp nền đất. Nhiều tuyến đê, đường ven biển trước đây thiết kế đủ cao độ nhưng nay đã bị thủy triều tràn qua gây ngập.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng, tài sản người dân để lập dự án cụ thể. Đồng thời, 13 tỉnh miền Tây cũng được giao cân đối vốn, đề xuất triển khai các dự án cần làm ngay. Ông cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương.
Về lâu dài, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng phải làm tốt việc quy hoạch; đánh giá nguyên nhân sạt lở, để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tránh tốn kém. Trong đó, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác, đi trực thăng, thuyền máy khảo sát khu vực đê biển Tây, Cà Mau; kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai Nam Đông Hồ, TP Hà Tiên (Kiên Giang); tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang; các điểm sạt lở ở Đồng Tháp.
Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, miền Tây có 779 điểm sạt lở, tổng chiều dài 1.134 km. Trong đó, có 666 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 774 km, và 113 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 390 km.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sạt lở bờ sông, kênh rạch thường xảy ra phổ biến tại các đỉnh khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư... Tình trạng này ngày càng tăng về số điểm, quy mô, tốc độ và phạm vi; các địa phương thượng nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long thường nghiêm trọng hơn khu vực hạ nguồn Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng.
Về tình trạng xói lở bờ biển, số liệu khảo sát năm 2020 và 2022 cho thấy, khu vực bờ biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre bờ biển bị sạt lở với tốc độ khoảng 30 m mỗi năm; khu vực bờ biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng mỗi năm bờ biển bị sạt lở với tốc độ khoảng 35 m. Đáng quan ngại, khu bờ biển thuộc Cà Mau tốc độ xói lở dao động từ 70-90 m mỗi năm...
An Bình - Ngọc Tài