Sáng 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã nêu nhiều kiến nghị với Thủ tướng như sớm xây dựng hạ tầng dùng chung; có cơ quan cầm trịch bảo vệ bản quyền; hỗ trợ nguồn lực để báo chí chuyển đổi số...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mục đích cuộc làm việc này là tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí. Ông nói bản thân "không chỉ nghe, chia sẻ các ý kiến mà sẽ suy nghĩ, hành động để làm được gì đó giúp nhà báo được làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn"; đồng thời chia sẻ khó khăn, thách thức mà báo chí đang gặp phải.
"Tinh thần là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến hoạt động báo chí như Nghị định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của Bộ.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được giao chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo hạ tầng số cho các cơ quan báo chí. "Không thể để cơ quan báo chí lạc hậu về chuyển đổi số mà cần đi tiên phong", Thủ tướng lưu ý.
Về đào tạo nhân lực, Thủ tướng giao Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xây dựng cơ chế để các nhà báo được nâng cao kiến thức hàng năm. Bộ Nội vụ và Thông tin Truyền thông cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nhân lực báo chí và kinh phí sẽ trích từ ngân sách nhà nước.
Cho biết trăn trở về vấn đề tài chính báo chí, người đứng đầu Chính phủ đồng tình với các kiến nghị tăng đặt hàng cho cơ quan báo chí, giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu trên cơ sở cân đối nguồn lực.
Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn những người làm báo rèn bản lĩnh, chuyên môn để phụng sự Tổ quốc, nhân dân. "Báo chí cần khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, hiện thực khát vọng phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng. Chúng ta phải đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình", Thủ tướng nói.
Ông dẫn chứng, vừa qua có ý kiến cho rằng vì Đảng, Nhà nước đẩy mạnh chống tham nhũng khiến một số cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, không dám làm. "Đây là thực tế diễn ra ở nhiều nơi, các cơ quan cần có giải pháp kiên trì khắc phục, đổ lỗi cho phòng chống tham nhũng mà sợ sai, không dám làm là không đúng", Thủ tướng nói, đề nghị báo chí tập trung phát hiện các vấn đề nóng, các điểm nghẽn được dư luận quan tâm và phản ánh khách quan, đa chiều, khoa học, có giải pháp cho từng vấn đề.
Ngoài ra, ông mong muốn báo chí thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, ác, tiêu cực.
Đề xuất tăng ngân sách đặt hàng báo chí
Trước đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, gần 100 năm qua, báo chí chỉ tập trung vào nội dung, cây bút, trang giấy mà ít khi phải lo vấn đề công nghệ. Ngày nay công nghệ đã thành lực lượng sản xuất cơ bản ở hầu hết lĩnh vực. "Sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí", Bộ trưởng Hùng nói.
Sau khi Thủ tướng ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí, Bộ đã lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số trực thuộc Cục Báo chí. Thời gian tới, Bộ sẽ huy động doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số hỗ trợ toàn diện cho các cơ quan; đồng thời xây dựng một số nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí, nhất là đơn vị nhỏ, hạn chế về công nghệ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí thấp, chỉ chiếm 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách. Một số cơ quan báo chí lớn không có hoặc được rất ít hỗ trợ. Vì vậy, ông Hùng đề xuất Thủ tướng tăng ngân sách đặt hàng báo chí lên 0,65% tổng chi ngân sách thường xuyên.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết đến nay có hơn 24.200 hội viên tại hơn 300 đơn vị. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan báo chí ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, chuyển đổi số, khai thác tối đa nền tảng internet, đa phương tiện.