Quyết định thành lập Hội đồng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Trần Văn Sơn công bố tại hội nghị Điều phối vùng Đông Nam Bộ, sáng 18/7. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là Chủ tịch Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng với 11 tỉnh thành.
Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021). Vùng đóng góp 32% GDP của cả nước. Tuy nhiên, việc chưa có hội đồng điều phối cùng người đứng đầu đủ thầm quyền được cho là nguyên nhân chính khiến khu vực chưa khai thác hết tiềm năng, việc đầu tư các dự án liên vùng gặp khó khăn, thiếu đồng bộ...
Hội đồng vùng Đông Nam Bộ được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hội đồng sẽ giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững khu vực Đông Nam Bộ.
Phó chủ tịch thường trực hội đồng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, 4 phó chủ tịch còn lại là bộ trưởng các bộ: Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Các ủy viên gồm thứ trưởng và tương đương của các bộ, cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành của khu vực Đông Nam Bộ.
Về quy chế hoạt động, hội đồng sẽ điều phối theo các phương thức lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; lên kế hoạch điều phối liên kết; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Việc lập Hội đồng điều phối vùng nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối phát triển vùng Đông Nam Bộ theo Nghị quyết 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực này đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Bộ chính trị ban hành ngày 7/10/2022.
Theo đó, vùng Đông Nam Bộ được định hướng phát triển thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển TP HCM là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế; Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường của Đông Nam Bộ đến năm 2030. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 380 triệu đồng mỗi năm; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41,7%; công nghiệp và xây dựng 45,3%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%...
Đến năm 2030, tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 3%; lao động được đào tạo khoảng 40-45%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; 95% người dân có bảo hiểm y tế.
Lê Tuyết