Ngày 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam" do Bộ Tư pháp tổ chức.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, trong khuôn khổ hội thảo có ba phiên thảo luận ba chuyên đề về pháp luật dân sự kinh tế, xây dựng Chính phủ số và thành phố thông minh, tiếp cận công lý và an ninh mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho hay, việc xuất hiện các loại phương tiện thanh toán số, những tranh chấp mới trên môi trường số đã làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến pháp luật về sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, bảo hộ dữ liệu cá nhân, an sinh xã hội...
"Việc ứng dụng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi việc xây dựng chính sách pháp luật phải có phản ứng nhanh hơn", ông nói.
Một số chuyên gia tại hội thảo đã chia sẻ trăn trở về việc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà chuyển sang quốc gia khác, do những lo lắng về an toàn pháp lý.
"Chúng tôi rất trăn trở trước ý kiến cho rằng doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp nhưng chưa dám dấn thân, chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang pháp lý cần thiết", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài lề của cuộc cách mạng này. Cụ thể như, thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp.
Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây...
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, các bộ ngành cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh, để từ đó kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại.
Ví dụ điển hình là trong khi Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ; về khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; về quyền sở hữu đối với các loại tài sản mã hóa..., thì mới đây Facebook công bố và chuẩn bị phát hành đồng tiền điện tử Libra (ngày 18/6), được nhiều hãng thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ.
Theo Thủ tướng, những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới Việt Nam, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tức thời và giải pháp pháp lý phù hợp. "Xử lý những vấn đề mới cần giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo", Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Ông nêu rõ, "không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới; phải nâng cao năng lực quản lý để theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới".
Từ cách tiếp cận trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm và xây dựng các nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể, qua đó thúc đẩy mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao.
Bộ Tư pháp được giao tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng, hoàn thiện Đề án số hóa quốc gia.
Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, đồng thời sớm hoàn thiện các hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng.
Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để có đề xuất chính sách phù hợp; phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án giáo dục tài chính.
Bộ Thông tin Truyền thông tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất; đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử, với các hình thức thanh toán mới qua di động (mobile money) hay ví điện tử...
Bảo Hà