Phó thủ tướng Lê Văn Thành ngày 29/8 vừa thừa lệnh ký Chỉ thị 13 của Thủ tướng, đề cập một số biện pháp thúc đẩy thị trường bất động sản. Chỉ thị này được đưa ra sau một thời gian thị trường bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng đó, giá sản phẩm bất động sản, nhất là giá nhà ở khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, thiếu minh bạch...
Khắc phục những bất cập này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành ngoài rà soát các quy định pháp luật, cần đa dạng nguồn vốn cũng như đề xuất thí điểm cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển mới cho thị trường này.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ nhắc lại quan điểm giám sát chặt chất lượng tín dụng bất động sản, nhưng không siết tín dụng bất hợp lý, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế - dân sự với kinh doanh bất động sản.
"Chính sách tài khoá, tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, mở rộng hợp lý, không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại. Nhưng cần kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, xử lý những hành vi sai phạm như trốn thuế trong kinh doanh bất động sản... ", Chỉ thị nêu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay bất động sản hiện khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Năm 2022, dự kiến tăng trưởng tín dụng bất động sản có thể đạt từ 9-10%.
Thay vì dồn vốn cho các dự án rủi ro, ngành ngân hàng cần ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ hiệu quả, có khả năng trả nợ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu quan điểm kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh đầu cơ, thao túng.
Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong 6 tháng đầu năm, nhóm bất động sản đứng vị trí thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu với 42.583 tỷ đồng, chỉ sau ngành ngân hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm này giảm hơn 31%, nhưng vẫn chiếm 26% tỷ trọng toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, quốc tế; chính sách thuế để hạn chế đầu cơ nhà, đất.
Hai cơ quan: Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được giao kiểm tra, giám sát phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo; ngân hàng liên quan tới doanh nghiệp địa ốc...
Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn các địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà ở, bất động sản...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính, Tư pháp sửa các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Giải pháp khác thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, theo Chính phủ, là cần đánh giá chính xác cung cầu và xây dựng hệ thống thông tin liên thông giữa thị trường bất động sản và đất đai, mở rộng phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp... Vì thế, Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu để trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Hàng quý, bộ này phải báo cáo Thủ tướng về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản và kiến nghị giải pháp để thị trường này phát triển lành mạnh, ổn định.
Về phát triển phân khúc nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp, Chính phủ giao Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hướng dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị để phát triển sản phẩm này.
UBND các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản và tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng cung cho thị trường.
Cũng theo Chỉ thị, các hành vi chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được cấp phép đầu tư... cần được chấn chỉnh để tránh tình trạng mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.