"Đầu tiên, tôi muốn thể hiện tình đoàn kết với toàn thể phụ nữ Iceland bằng hành động này", nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir, 47 tuổi, hôm 24/10 tuyên bố, giải thích lý do bà không làm việc trong ngày này.
Phát biểu trước văn phòng Thủ tướng ở thành phố Reykjavík, bà Jakobsdottir cho rằng thế giới đang tụt hậu trong nỗ lực đấu tranh vì bình đẳng giới và Iceland cũng đang nỗ lực hết sức để xử lý "các vấn đề lớn" về bất bình đẳng giới trong trả lương cho người lao động, tình trạng bạo lực giới tính và quấy rối tình dục.
Bà mong muốn Iceland sẽ đạt bình đẳng giới hoàn toàn vào năm 2030, khi tham gia cùng khoảng 100.000 phụ nữ trong cuộc đình công kéo dài 24 giờ, sự kiện đình công lớn nhất trong lịch sử Iceland.
Trong thời gian đình công, các trường học, thư viện khắp Iceland đóng cửa hoặc hoạt động hạn chế, khi các nữ nhân viên nghỉ ở nhà, còn bệnh viện thông báo chỉ xử lý các ca cấp cứu.
"Tôi biết giấc mơ đạt bình đẳng giới vào năm 2030 sẽ cần rất nhiều nỗ lực", Thủ tướng Jakobsdottir nói. "Liên Hợp Quốc nhận định thế giới phải mất 300 năm mới đạt được bình đẳng giới, nhưng để phụ nữ phải chờ ba thế kỷ để đạt được mục tiêu này là không thể chấp nhận được".
Finnborg Salome, thành viên ban tổ chức cuộc đình công, ca ngợi hành động của Thủ tướng Jakobsdottir. "Điều đó cho thấy nỗ lực này quan trọng đến dường nào và Thủ tướng đang cổ vũ mọi người" Salome nói. "Dù nắm giữ vị trí cao, bà ấy vẫn đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ khắp Iceland".
Các nhà tổ chức cho hay cuộc đình công nhằm phản đối chênh lệch mức lương giữa phụ nữ và nam giới, phản đối tình trạng bạo lực giới, đồng thời nêu bật tình trạng làm việc không được trả lương như chăm sóc trẻ em thường do phụ nữ đảm nhận.
"Chúng tôi đang tôn vinh những người bà, người mẹ, những hình mẫu cho bình đẳng giới", Thorgerdur Katrin Gunnarsdottir, 58 tuổi, nhà lập pháp Iceland, nói. "Chúng tôi cần bình đẳng, chúng tôi cần công lý, chúng tôi cần tự do, nên đây là thông điệp từ Iceland, chúng tôi phải sát cánh cùng nhau".
Với dân số chưa tới 400.000 người, Iceland được coi là một trong những quốc gia tiến bộ nhất thế giới về bình đẳng giới và đứng đầu về chỉ số khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 14 năm liên tục.
Nhưng ở một số ngành nghề, phụ nữ vẫn có thu nhập thấp hơn nam giới khoảng 20%, theo cơ quan Thống kê Iceland. Sonja Rut Adalsteinsdottir, 41 tuổi, làm việc trong một công ty sản xuất thiết bị chế biến thực phẩm, cho rằng "ngày này dành cho tất cả phụ nữ ở Iceland".
"Tôi thật may mắn khi được làm việc trong một công ty trả lương bình đẳng cho cả phụ nữ và đàn ông, nhưng tôi có mặt ở đây vì các con gái và vì tất cả phụ nữ trên đất nước này", bà nói.
40% phụ nữ Iceland từng chịu bạo lực giới hoặc bạo lực tình dục, theo nghiên cứu của Đại học Iceland.
"Chúng tôi đang tìm cách thu hút sự chú ý tới thực tế rằng Iceland được gọi là thiên đường bình đẳng giới nhưng vẫn tồn tại chênh lệch giới và cần phải khẩn trương hành động", Freyja Steingrimsdottir, người tổ chức đình công kiêm giám đốc truyền thông của Liên đoàn Công chức Iceland, cho hay.
"Những ngành nghề mà lao động nữ chiếm đa số như y tế và chăm sóc trẻ em vẫn bị đánh giá thấp cũng như trả lương không tương xứng", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)