"Brussels đang tìm cách giảm quyền tự chủ của Hungary và các quốc gia thành viên", Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trước quốc hội hôm 16/2 sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư. "Họ muốn ép buộc chúng ta làm những điều chúng ta không muốn".
Theo ông Orban, Liên minh châu Âu (EU) đang "lạm quyền" và tìm cách xây dựng một "Hợp chúng quốc châu Âu", khiến khoảng cách về văn hóa ngày càng gia tăng giữa Tây Âu và Đông Âu.
Tuy nhiên, ông lập luận rằng Hungary có lợi ích khi là thành viên EU, với điều kiện vẫn có thể vẫn là "một quốc gia độc lập và tự do". "Chúng ta không phải thành viên EU vì nó như hiện nay, mà bởi những gì nó có thể trở thành", ông nói.
EU chưa bình luận về tuyên bố này của Thủ tướng Orban, người được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên của khối. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/4 đã chúc mừng Thủ tướng Orban đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Hungary.
Tuyên bố được ông Orban đưa ra sau khi Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis ngày 16/5 cáo buộc Hungary đang biến toàn bộ EU thành con tin khi phản đối gói trừng phạt mới nhắm vào Nga, trong đó có lệnh cấm dầu.
Bình luận về gói trừng phạt thứ sáu mà EU đang chuẩn bị áp đặt với Nga do chiến dịch quân sự ở Moskva, ông Orban nói rằng Hungary sẽ không cản trở động thái này nếu nó không đe dọa an ninh năng lượng của Budapest. Ông cũng nhấn mạnh rằng Hungary nên duy trì chính sách độc lập trong EU cũng như trong NATO, dù Budapest là thành viên của cả hai khối.
"NATO là một bên ủng hộ vững chắc, nhưng sẽ không bảo vệ Hungary. Nhiệm vụ cấp bách nhất là củng cố quân đội Hungary và biến lực lượng này thành một quân đội thực sự ", ông nói.
EU đầu tháng này công bố đề xuất về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, trong đó có lệnh cấm toàn bộ dầu mỏ của Moskva. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực, song vấp phải sự phản đối của Hungary, dù nước này đã được nới thời hạn từ bỏ dầu Nga tới cuối năm 2024.
Chính phủ của Thủ tướng Orban nói rằng lệnh cấm dầu sẽ là "quả bom hạt nhân" đối với nền kinh tế và muốn EU cho Budapest 5 năm để thay thế dầu Nga, trong khi các ngoại trưởng EU cho rằng thời hạn đến cuối năm 2024 là "quá đủ" để Hungary chuyển đổi cơ cấu năng lượng.
Trong cuộc họp tại Brussels, Bỉ hôm 16/5, các ngoại trưởng EU khẳng định lệnh cấm dầu Nga vẫn sẽ được ban hành, dù họ mất nhiều thời gian hơn để đi đến thỏa thuận.
Huyền Lê (Theo RIA, RT)