Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 8/7 đăng hình ảnh trên mạng xã hội X cho thấy ông được chào đón tại Bắc Kinh bởi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ông đăng hình ảnh kèm thông điệp "Sứ mệnh hòa bình 3.0".
"Trung Quốc là cường quốc then chốt trong xây dựng tiền đề của hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine. Đây là lý do tôi đến gặp Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh chỉ hai tháng sau khi ông ấy có chuyến thăm chính thức đến Budapest", ông Orban viết.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Orban nhấn mạnh Hungary "đánh giá rất cao sáng kiến hòa bình của Trung Quốc liên quan xung đột Ukraine", đồng thời khẳng định Hungary xem trọng vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình toàn cầu, theo hãng thông tấn MTI.
Ông Orban nhấn mạnh Hungary "sẽ luôn đứng về phía hòa bình và không bao giờ ủng hộ chiến tranh", kêu gọi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy thông điệp thế giới cần ổn định chứ không cần xung đột. Thủ tướng Orban đồng thời tái khẳng định quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Hungary, bày tỏ kỳ vọng Trung Quốc "vững mạnh và ổn định giữa nền chính trị thế giới đầy biến động".
Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của ông Orban trong thúc đẩy giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine và đã trình bày rõ hơn về quan điểm cũng như đề xuất của Trung Quốc, CCTV đưa tin.
"Cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện và hỗ trợ để hai bên nối lại đối thoại và đàm phán trực tiếp. Chỉ khi tất cả cường quốc phát huy năng lượng tích cực thay vì năng lượng tiêu cực thì mới có thể có một lệnh ngừng bắn", ông Tập nói.
"Trọng tâm hiện nay là tuân thủ ba nguyên tắc 'không mở rộng chiến trường, không leo thang xung đột và không đổ thêm dầu vào lửa để hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt", ông Tập nhấn mạnh.
Trung Quốc vào đầu năm 2023 đã nêu lập trường về giải pháp chính trị cho xung đột tại Ukraine, với những nội dung như kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán hòa bình, tránh rủi ro hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo.
Hồi tháng 5, Trung Quốc nhấn mạnh rằng mọi hội nghị quốc tế về hòa bình nên diễn ra "vào thời điểm phù hợp và phải được Nga lẫn Ukraine công nhận". Hội nghị hòa bình do Ukraine thúc đẩy đã được tổ chức tại thành phố Lucerne ở Thụy Sĩ ngày 15-16/6 nhưng không có sự tham dự của Nga.
Trước khi tới Bắc Kinh, Thủ tướng Orban đã lần lượt đến Ukraine và Nga, gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin. Chuỗi chuyến thăm được ông Orban mô tả là "sứ mệnh hòa bình", tập trung thảo luận về xung đột tại Ukraine, triển vọng ngừng bắn và nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) của Hungary.
Sau khi kết thúc chuyến thăm tại Moskva, Thủ tướng Orban nói rằng quan điểm giữa Nga và Ukraine còn quá khác biệt và "cần nhiều bước" để chấm dứt xung đột.
Ukraine và Nga đều không thể hiện nhượng bộ. Trong khi Ukraine không hưởng ứng đề xuất ngừng bắn trước đàm phán sau của ông Orban, Nga kiên định yêu cầu Ukraine rút toàn bộ lực lượng khỏi 4 tỉnh mà Nga tuyên bố sáp nhập cuối năm 2022 gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Thanh Danh (Theo DW, AFP, Reuters)