"Xin người dân của tôi hãy cùng nỗ lực để chấm dứt tình hình nguy hiểm này", Thủ tướng Hun Sen nói trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình nhà nước tối 14/4. "Chúng ta đang bên bờ vực sinh tử. Nếu chúng ta không chung tay góp sức, chúng ta sẽ lao vào chết chóc thực sự".
Campuchia chứng kiến ca Covid-19 tăng kể từ tháng 2, khi một ổ dịch lần đầu được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc tại nước này. Giới chức tuần trước cho biết các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh đã hết giường và họ phải chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị.
Phnom Penh và thị xã lân cận Ta Khmau, nơi sinh sống của khoảng hai triệu người, đã bị phong tỏa trong hai tuần để hạn chế virus lây lan.
Theo ông Hun Sen, lệnh phong tỏa là biện pháp cấp bách chính quyền buộc phải thực hiện sau khi nước này ghi nhận hơn 300 ca nCoV mới trong ngày 14/4, nâng tổng số ca nhiễm tại Campuchia lên hơn 4.800, trong đó 36 người đã chết.
Trong hai tuần phong tỏa, người dân bị cấm tụ tập và rời khỏi nhà vì mục đích không thiết yếu. Họ được phép đến bệnh viện, mua thực phẩm và nhu yếu phẩm không quá ba lần một tuần, chỉ hai người ở mỗi hộ gia đình được phép ra ngoài. Lệnh giới nghiêm cũng được áp đặt từ 20h tới 5h hôm sau, ngoại trừ các trường hợp có vấn đề sức khỏe, gia đình và vận chuyển hàng hóa.
Trong bài phát biểu, ông Hun Sen cũng cam kết không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói trong thời gian phong tỏa. "Sẽ không có tình trạng thiếu lương thực, gạo, thịt, rau ở Phnom Penh trong thời gian phong tỏa", ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Campuchia yêu cầu lãnh đạo thành phố Phnom Penh Khuong Sreng quan tâm đến người nghèo bằng cách cung cấp gạo và thực phẩm thiết yếu cho họ. Ông cũng ra lệnh mở kho dự trữ lương thực của chính phủ để bình ổn thị trường.
Sáng nay, cảnh sát chặn những người đi xe máy qua một trạm kiểm soát được thiết lập ở ranh giới Phnom Penh và thị xã Ta Khmau. Nhiều người xuất trình thẻ căn cước với hy vọng được đi qua. Các chốt chặn cũng được dựng lên quanh đại lộ Norodom, xung quanh Tượng đài Độc lập, để ngăn cản người dân đi lại.
Campuchia đã có nhiều cải thiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thập kỷ qua, nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vẫn còn nghèo nàn, thiếu dịch vụ và bác sĩ có trình độ.
Trước đợt bùng phát này, ca Covid-19 ở Campuchia tương đối thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá ca nhiễm thấp do thiếu xét nghiệm rộng rãi.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan hồi đầu tuần cảnh báo nước này đang "đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia" do Covid-19. Để thực hiện biện pháp phong tỏa hiệu quả, Campuchia cũng thành lập một ủy ban quốc gia đặc biệt gồm 19 thành viên, do Phó thủ tướng Aun Pornmoniroth phụ trách.
Huyền Lê (Theo AFP)