Làm việc với TP HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông ngày 23/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, dù đã cận Tết nhưng vẫn quyết định cùng các bộ ngành tổ chức cuộc họp này vì ùn tắc đang gây bức xúc cho người dân.
"TP HCM có gần 40 điểm thường xuyên bị ùn tắc, việc kẹt xe ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Cùng với đó lãng phí rất ghê gớm, ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư. Việc giải quyết thực sự rất cấp bách với thành phố đông nhất nước", người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng đề nghị cách giải quyết cũng phải cụ thể để đạt hiệu quả sớm nhất. "Thành phố cùng các bộ ngành trung ương tập trung bàn về các cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Các ý kiến đi thẳng vào bàn luận, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục ngay tình hình", ông yêu cầu.
Báo cáo Thủ tướng, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết, để giải quyết ùn tắc thành phố đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 324.000 tỷ đồng.
Ông Khoa kiến nghị Thủ tướng cho thành phố một số cơ chế đặc thù để triển khai nhanh 23 dự án cấp bách trong năm nay. Đồng thời, thành phố được giữ lại 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông (khoảng 300 tỷ mỗi năm) để đầu tư lại phương tiện cho các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng kiến nghị Thủ tướng cho phép rút ngắn thủ tục đầu tư các dự án theo cơ chế mà Chính phủ đã cho Bộ GTVT thực hiện việc mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.
"Hiện thủ tục theo trình tự quá lâu, xin Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan thanh tra cứ thanh tra. Đơn vị nào sai thì xử lý theo quy định, nhưng các dự án khác vẫn cho triển khai để đẩy nhanh tiến độ", ông Thăng nói.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ sự đồng tình với các kiến nghị của TP HCM, nhất là phải rút ngắn thời gian, trình tự thủ tục đầu tư. "Bộ nhất trí và mong các Bộ khác ủng hộ TP HCM", ông Nghĩa nói và cho rằng trong thời điểm hiện nay để kéo giảm ùn tắc việc xây dựng các cao ốc, khu đô thị cao tầng ở TP HCM nên chậm lại vì hạ tầng giao thông đang theo không kịp.
Đánh giá về tình trạng kẹt xe, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ùn tắc giao thông tại TP HCM cũng như Hà Nội "có thể nói là báo động". "Nghiêm trọng như thế này do chúng ta thiếu tầm nhìn, kiểm soát quy hoạch chưa tốt", ông Dũng nêu quan điểm.
Ông chỉ ra nguyên nhân khác là do tốc độ tăng dân số và phương tiện cao hơn tốc độ phát triển hạ tầng. Vì vậy, nếu chỉ tập trung làm nhanh các dự án sẽ không giải quyết được. "Phải có giải pháp mạnh tay để kéo giảm việc tăng dân số cơ học và phương tiện. Nếu không thì khi hạ tầng phát triển người dân tiếp tục đổ về, phương tiện tăng tiếp thì chúng ta đang làm bài toán ngược", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng cho rằng vấn đề di cư thực sự đang là thách thức đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Việc này không chỉ gây khó khăn cho giao thông mà còn ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội.
"Một bà bán hàng rong ở thành phố thu nhập tốt hơn người nông dân làm ăn cần cù ở quê thì tất nhiên là người ta đổ xô về thành phố", ông Lâm nói và cho rằng cần có chính sách về di cư, nếu không càng làm nhiều đường giúp đi lại thuận tiện sẽ càng hút dân, đường sẽ càng tắc.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạnh ùn tắc giao thông không phải một sớm một chiều là có thể giải quyết được. Các nước trong khu vực cũng đang đối mặt với tình trạng này.
"Các điểm nóng về ùn tắc như Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái thì phải có biện pháp để xử lý quyết liệt hơn. Tăng cường 100% lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT, TNXP... túc trực thì chắc chắn sẽ kéo giảm được", Thủ tướng yêu cầu.
"Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là số lượng phương tiện tăng quá nhanh; ôtô, xe máy xen lẫn nhau. Không phải cấm quyền tự do nhưng về lâu dài phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. TP HCM cần phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm khi chưa giải quyết đồng bộ vấn đề hạ tầng", Thủ tướng nói thêm.
Đối với các kiến nghị của TP HCM, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu các bộ ngành sau 21 ngày phải báo cáo các cơ chế, chính sách áp dụng cho thành phố. "Không để thành phố phải chạy ra chạy vào, thời gian còn để làm việc khác. Các Bộ làm việc trên tinh thần tạo điều kiện cho thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông", Thủ tướng chỉ đạo.
Hữu Công