-
10h50
Tăng trưởng kinh tế "tạo hiệu ứng lan toả"
Trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói, việc thực hiện thành công mục tiêu kép về tăng trưởng, lạm phát... đã tạo dư địa thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội. Trong 12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018, đã có 4 chỉ tiêu đạt và 8 vượt kế hoạch.
"Kết quả tích cực đã tạo hiệu ứng lan toả, củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư", ông nói.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn những thách thức trong phát triển kinh tế để đảm bảo tăng trưởng ổn định, bởi diễn biến tăng trưởng kinh tế 3 quý qua có sự khác biệt. Lạm phát được kiểm soát nhưng áp lực còn tiềm ẩn; dư địa điều hành giá cả không còn nhiều...
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ hơn việc tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, tạm ngừng hoạt động cao.
-
10h20
Đề nghị báo cáo tổng thể về sách giáo khoa
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp đầu năm đến nay đã có gần 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Theo ông, cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, được Ngân hàng thế giới đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới.
Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo ông Mẫn, cử tri cũng phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện; việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập; các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong nhân dân.
"Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng độc quyền; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", ông Mẫn nói.
-
10h16
8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2019
Chính phủ đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2019.
Thứ nhất, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược.
Thứ ba, tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thứ tư, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ bẩy, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ tám, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.
-
10h15
Thúc đẩy nhanh việc ký, phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - EU
Thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục vận động Nghị viện châu Âu để sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định FTA với EU cuối năm 2018, đầu năm 2019; hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và vận động ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
"Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; phát huy, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định FTA mang lại. Đổi mới công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và bảo hộ công dân", Thủ tướng nói.
-
10h11
Xử lý nghiêm sai phạm của một số cán bộ cao cấp
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm...), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước (kiến nghị thu hồi gần 26.000 tỷ đồng, đã thu hồi trên 14.000 tỷ đồng).
Theo ông, công tác phòng chống tham nhũng được quyết liệt triển khai; nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt.
"Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp; tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”...), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ", lãnh đạo Chính phủ nói.
Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") là cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, người bị phạt 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức trong phiên toà hồi tháng 7/2018.
Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21/12/2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội "Làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 4/1, ông Vũ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore. Chiều 30/7, TAND Hà Nội sau một ngày xét xử kín, tuyên phạt ông Vũ 9 năm tù.
-
10h05
Tiếp tục nghiên cứu thể chế về đặc khu kinh tế
Trong số giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ chế điều phối vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế, thành phố lớn. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa. "Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thể chế về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chính phủ cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Cùng đó, phát triển mạnh doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông...
-
10h00
-
9h54
Cơ cấu lại thực chất nền kinh tế
Một lần nữa quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng "theo chiều sâu, thực chất hơn" được Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu.
"Cơ cấu lại đầu tư công thực chất hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch và tối đa hoá lợi ích Nhà nước", ông nói, đồng thời nhấn mạnh chủ trương phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kiến tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, phát huy tối đa mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế phát triển.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình công nghiệp trọng điểm nhằm đưa tăng trưởng công nghiệp, xây dựng đạt 8%; nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trên 3%, xuất khẩu trên 43 tỷ USD.
-
9h40
Năm 2019 tăng trưởng tối đa 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng 4%
Dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2019 tăng 6,6 - 6,8%; lạm phát bình quân khoảng 4%.
Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng 24 - 24,5%...
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.
"Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Ổn định thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước", Thủ tướng nói.
-
9h30
20 doanh nghiệp lớn bán cổ phần lần đầu trong 9 tháng
Đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhận xét "thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động".
Ông cho biết, đã có 20 doanh nghiệp lớn bán cổ phần lần đầu trong 9 tháng năm 2018, thu về 20.300 tỷ đồng; riêng thoái vốn thu về 7.900 tỷ, nâng tổng luỹ kế lên 170.000 tỷ đồng.
Cùng với đó phương án cơ cấu lại 51 tổ chức tín dụng đã được phê duyệt, nợ xấu toàn hệ thống giảm còn khoảng 2%. Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, hết tháng 6/2018 nợ xấu là 2,09%, giảm 0,37% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng là 12,27%, cao hơn 3,27% mức tối thiểu.