Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 18/11 tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ, góp phần khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.
Thủ tướng mong muốn hai bên tiếp tục triển khai nhận thức chung cấp cao và các Tuyên bố chung, văn kiện đã ký kết trong các chuyến thăm cấp cao hai nước.
Ông Tập Cận Bình đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai chính phủ, mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất, trước hết là trong xây dựng ba tuyến đường sắt kết nối hai nước. Chủ tịch Trung Quốc cũng mong muốn hai nước tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, phối hợp triển khai 3 sáng kiến toàn cầu về phát triển, an ninh và văn minh.
Gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng cảm ơn tình cảm và sự ủng hộ mạnh mẽ của ông với quan hệ Việt - Mỹ và mong trong thời gian tới, dù trên cương vị nào, ông Biden cũng sẽ tiếp tục ủng hộ và đóng góp thiết thực cho quan hệ song phương.
Tổng thống Biden khẳng định Thủ tướng Phạm Minh Chính là người bạn tốt của Mỹ, vui mừng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong nhiệm kỳ của ông. Ông Biden khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ quan hệ Việt - Mỹ phát triển sâu rộng, thực chất.
Hai lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục triển khai những lĩnh vực hợp tác đã thống nhất, trong đó có việc sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và hợp tác về khoa học, công nghệ.
Tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các dự án đầu tư lớn của Ấn Độ trong những lĩnh vực chiến lược như hạ tầng giao thông vận tải, logistics, công nghệ cao, dầu khí, năng lượng tái tạo.
Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường kết nối doanh nghiệp và đối thoại chính phủ - doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đồng thời tăng hợp tác giao lưu nhân dân.
Trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính phủ Nhật tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho Việt Nam, có các chính sách nâng cao chất lượng, điều kiện sống, làm việc cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Ông Ishiba Shigeru nhất trí tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật.
Tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục cung cấp ODA quy mô lớn, điều kiện ưu đãi giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông cũng mong muốn hai bên tăng hợp tác kinh tế - thương mại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Tại cuộc tiếp xúc với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Thủ tướng mong muốn hai bên tích cực trao đổi, tiến tới nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2025, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh hai nước cần khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau, trong đó có hợp tác phát triển thị trường Halal.
Tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Tổng Thư ký và các cơ quan Liên Hợp Quốc trong gìn giữ hòa bình, ổn định, thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy phát triển trên toàn cầu.
Ông Guterres khẳng định Việt Nam là hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững, là điểm sáng trong quan hệ quốc tế mà các nước cần học tập.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng đưa ra các định hướng quan trọng để tăng cường quan hệ Việt Nam - EU, như tăng trao đổi đoàn, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vấn đề tồn đọng.
Thủ tướng cũng đề nghị EU thúc đẩy 9 nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), tiếp tục duy trì ODA và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để Việt Nam thích ứng với các quy định mới của EU về phát triển bền vững, đồng thời hỗ trợ tối đa về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực để giúp Việt Nam triển khai hiệu quả Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trao đổi thẳng thắn, tích cực với lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Malaysia, Anh, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Mexico, Nam Phi, Angola, Tanzania, Qatar và Arab Saudi; các tổ chức quốc tế như Cơ quan LHQ về Thương mại và Phát triển, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.
Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của Tổng thống Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024 Luiz Inacio Lula da Silva, cũng như tiến hành một số hoạt động song phương tại Brazil ngày 16-19/11.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình đánh giá chuyến công tác của Thủ tướng đề cao vị thế của Việt Nam tại G20, khẳng định đóng góp có trách nhiệm trong giải quyết các thách thức toàn cầu, phát huy ưu thế của Việt Nam trong các nội dung có thế mạnh và kinh nghiệm, củng cố và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Ngọc Ánh