"Tôi tin tất cả chúng ta đều nhất trí rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine nên kết thúc càng sớm càng tốt. Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng hoặc bị thương", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2. "Tuy nhiên, sẽ chỉ có hòa bình nếu chủ quyền của Ukraine được đảm bảo. Kiểu hòa bình áp đặt sẽ không bao giờ được chúng tôi ủng hộ".
Ông Scholz nói thêm cũng sẽ không chấp nhận "bất cứ giải pháp nào dẫn tới sự tách rời an ninh của châu Âu và Mỹ", cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, bên duy nhất hưởng lợi là Nga.
"Những người châu Âu chúng tôi sẽ trình bày những lập trường này một cách mạnh mẽ và đoàn kết trong các cuộc đàm phán sắp tới", Thủ tướng Đức cho biết.
![Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Munich ngày 15/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/15/AP25046328320758-4241-1739620712.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GpANriXJvf_o6sOzGIwhqw)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Munich ngày 15/2. Ảnh: AP
Ông Scholz nói thêm nếu đạt được hòa bình, để đề phòng không tái diễn xung đột, các bên ủng hộ Ukraine trước hết cần hỗ trợ xây dựng lực lượng vũ trang của nước này trong tương lai.
"Sẽ có trách nhiệm trong thời kỳ hậu chiến đối với châu Âu và Mỹ cũng như đối với các đối tác và bạn bè quốc tế của Ukraine. Mọi hình thức đảm bảo an ninh chúng ta đưa ra nên dựa trên cơ sở này", Thủ tướng Đức cho hay.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ JD Vance hôm 14/2, nhấn mạnh Ukraine muốn có "đảm bảo an ninh".
Xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022 và đã khiến gần 13.000 dân thường thiệt mạng, theo Liên Hợp Quốc, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ hai bên tử trận hoặc bị thương.
Triển vọng đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột gia tăng sau các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó là Tổng thống Ukraine. Lãnh đạo Mỹ - Nga nhất trí "đàm phán ngay lập tức" để kết thúc chiến sự ở Ukraine, trong khi ông Zelensky cũng tuyên bố "sẵn sàng hợp tác ở cấp độ nhóm" về cơ hội đạt hòa bình.
Tuy nhiên, các lập trường của Trump đang khiến nhiều bên lo ngại rằng Kiev sẽ bị gây áp lực phải chấp nhận những nhượng bộ "đau đớn". Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng hôm 12/2, Tổng thống Trump bác bỏ viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO và ủng hộ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng Ukraine khó khôi phục được đường biên giới trước năm 2014.
Hôm 14/2, ông Zelensky nói rằng ông chỉ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với ông Putin sau khi Ukraine thống nhất quan điểm với Mỹ, châu Âu về cách chấm dứt xung đột.
Ngọc Ánh (Theo AFP)