Bà Merkel cùng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc điện đàm, nhất trí các bước đi cụ thể, cho phép Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát tình hình ở đông Ukraine, theo Reuters.
"Thủ tướng Đức và ông Poroshenko kêu gọi tổng thống Nga dùng ảnh hưởng của mình để buộc các phiến quân miền đông thực thi lệnh ngừng bắn. Việc rút vũ khí hạng nặng cũng cần được bắt đầu từ hôm nay", phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết.
Trong khi đó, Denis Pushilin, một đại diện của các phe ly khai cho hay họ không thể ngưng giao tranh ở thị trấn Debaltseve và phải đáp trả súng đạn từ quân đội Ukraine.
"Chúng tôi không có quyền ngừng nổ súng ở Debaltseve. Đó là một điều thuộc phạm trù đạo đức. Đó là lãnh thổ nội địa. Chúng tôi sẵn sàng rút vũ khí hạng nặng nhưng không thực hiện đơn phương", Pushilin nói.
Mỹ cho biết nước này "cực kỳ quan ngại" về chiến sự ở thị trấn Debaltseve và theo dõi sát những báo cáo về thiết bị của Nga đang được vận chuyển vào khu vực này.
"Những hành động và tuyên bố hung hăng của các phiến quân miền đông đang đe dọa lệnh ngừng bắn mới đạt được. Chúng tôi kêu gọi Nga và các phiến quân ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công của họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết.
Bà Psaki cũng thúc giục phe ly khai hợp tác với OSCE thực hiện lệnh ngừng bắn. OSCE hôm 15/2 cho biết các phiến quân từ chối cho phép tổ chức này đưa các giám sát viên đến Debaltseve.
Liên minh châu Âu (EU) hôm qua thông báo lệnh trừng phạt mới với 28 cá nhân và tổ chức của Nga, trong đó có hai thứ trưởng quốc phòng, với cáo buộc "đe dọa sự độc lập của Ukraine". Nga phản đối quyết định này và cho biết sẽ "đáp trả thích đáng".
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine kéo dài từ cuối năm 2013, giao tranh bùng phát ở miền đông từ tháng 4 năm ngoái. Lệnh ngừng bắn thứ hai vừa được các ban ký kết đã bị vi phạm không lâu sau đó. Biến cố ở Ukraine cũng khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây lâm vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Khánh Lynh