Hội nghị diễn ra tại Hà Lan trong các ngày 24 và 25/3. Đây là lần thứ ba Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Lãnh đạo của 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị lần này.
Hội nghị lần thứ ba tập trung vào nội dung tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn chặn khủng bố, tội phạm và tất cả các đối tượng có thể chiếm đoạt vật liệu hạt nhân, phóng xạ làm vũ khí và phát tán phóng xạ. Đạt được các mục tiêu trên là một trong những thách thức quan trọng nhất trong những năm tới đối với cộng đồng thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có một bài phát biểu và bài thảo luận về chủ đề "Tương lai cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân" tại Phiên thảo luận chung. Ngoài ra, Việt Nam sẽ xem xét tham gia một số sáng kiến về an ninh hạt nhân phù hợp với chủ trương phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Hiện Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và pháp quy trong nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân phù hợp với các tài liệu hướng dẫn mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đồng thời, Việt Nam cũng nâng cao năng lực quốc gia về an ninh hạt nhân, chuẩn bị xây dựng Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật về An ninh và thanh sát hạt nhân.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân được tổ chức hai năm một lần, theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là diễn đàn đa phương ở cấp cao nhất về an ninh hạt nhân, thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc tăng cường cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân. Hội nghị cũng giúp tăng cường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, trong đó có các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, các nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến và các nước mới chủ trương phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.
Hội nghị an ninh hạt nhân toàn cầu từng được tổ chức tại Mỹ năm 2010 và Hàn Quốc năm 2012.
Việt Anh