Phát biểu tại diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc chiều 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hình ảnh 50 lao động Việt Nam đã về nước nhưng được tiếp nhận trở lại và có mặt tại diễn đàn là chứng minh cho vai trò của lao động Việt Nam đối với Hàn Quốc.
Hàn Quốc có nền tảng kinh tế xã hội phát triển cao, nhưng dân số già hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp và đang thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển, có nguồn nhân lực dồi dào. "Chúng ta sẽ cùng tạo thuận lợi nhất để người lao động được tôn trọng và cống hiến hết mình, vì sự phát triển của bản thân, đóng góp cho hai nước", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục đi đầu trong đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam và đưa các chuyên gia, nhà quản lý có trình độ cao sang Việt Nam làm việc.
Cùng với đó, Hàn Quốc cần tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS), lao động trong ngành đóng tàu, nông nghiệp, thủy sản tàu cá và mở rộng ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu như công nghệ thông tin, điều dưỡng và dịch vụ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin để tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho lao động Việt Nam. Người lao động cần được hưởng các lợi ích chính đáng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật Hàn Quốc.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tăng cường hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, kết nối cung cầu việc làm, tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương. "Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, người lao động nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp, người lao động Hàn Quốc đầu tư kinh doanh, làm việc, học tập hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam", ông khẳng định.
Thủ tướng đề nghị lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Hàn Quốc tận dụng tốt cơ hội để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người Hàn Quốc. Mỗi người cần chấp hành tốt pháp luật của Hàn Quốc, tránh những tiêu cực, tệ nạn xã hội và cư xử đúng văn hóa của người Việt Nam là yêu lao động, yêu hòa bình.
Ông Lee Woo Young, Chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, khẳng định lao động Việt Nam có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hàn Quốc. Chương trình hỗ trợ lao động cũng là trọng tâm được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm. Thời gian tới, Hàn Quốc sẽ rút gọn quy trình nhập cảnh của người lao động, xây dựng cơ chế mới về tuyển chọn lao động ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
"Tôi có cháu trai 27 tháng tuổi, mỗi khi gặp hai ông cháu đều nói xin chào, rất vui được gặp bằng tiếng Việt. Tôi mong muốn đưa cháu đến du lịch Đà Nẵng vì rất yêu mảnh đất này", ông Lee nói.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc tăng nhanh hàng năm và thuộc nhóm dẫn đầu trong số nước phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 66.000 người). Nhiều người sau khi làm việc tại Hàn Quốc đã học tập và tích lũy được kiến thức, kỹ năng, có khả năng ngoại ngữ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, quay trở về Việt Nam khởi nghiệp, kinh doanh thành công.
Số lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hàng năm (gần 20.000), đứng đầu và chiếm trên 16% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (122.660). "Chúng tôi tin rằng tới đây quan hệ giữa lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, thu nhập cao hơn", Bộ trưởng Dung nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân.