Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp.
Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án và được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác.
Tổng kinh phí toàn bộ dự án gần 300 tỷ đồng được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016. Trong đó các hạng mục xây mới cầu là 153 tỷ đồng. Dự kiến ngày 15/7 thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Trước đó, trong phương án trình Thủ tướng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất xây dựng mới toàn bộ cầu với sơ đồ 2 trụ, 3 nhịp 75+75+75 m, dầm giàn vòm thép giản đơn. Nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu Ghềnh lên khoảng 2,2 m, đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3 (7 m, cao hơn 3m so với tĩnh không thông thuyền của cầu hiện hữu).
Cải tạo nâng đường hai đầu cầu và các hạng mục công trình thuộc phạm vi cầu và đường sông hai đầu như: cầu chui Hiệp Hòa, đường ngang Bùi Hữu Nghĩa, hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, điện, đường ống nước trên cầu…
Để đảm bảo khai thác đồng bộ cầu Ghềnh sau khi khôi phục, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết cần sửa chữa, cải tạo mở rộng nhà ga, ke ga, kéo dài và đặt thêm đường ga ở các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom. Chi phí cho các hạng mục này cần 75 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người thoát nạn bỏ xe bò lên bờ.
Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch, tàu đến ga Biên Hòa sau đó khách được trung chuyển về Sài Gòn. Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa. Hai tài công và chủ sà lan đã bị bắt.
Phước Tuấn