Sáng 12/5, trong Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6 diễn ra tại Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng cảm nhận rất rõ niềm đam mê, khát vọng, cùng sự kiên trì, dũng cảm trong khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ông mong tinh thần khởi nghiệp sẽ sống mãi, không có giới hạn hay điểm dừng trong thế hệ trẻ.
Thủ tướng cho rằng nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đều dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và nhu cầu của thị trường, người dân. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều em được tuyển vào làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora.
Đánh giá những thành tựu đột phá liên tục về khoa học công nghệ trên thế giới vừa là thách thức song cũng là cơ hội, người đứng đầu Chính phủ hy vọng các bạn trẻ khai thác tốt tiềm năng khác biệt. Đặc biệt là "gen Z", với sự thông minh, nỗ lực, cần thích ứng linh hoạt trước sự biến động của tình hình.
Ông mong lứa 'gen Z' sống đam mê, hoài bão và khát vọng, từ đó vươn lên để lập nghiệp "bằng cả trái tim" cùng sự sáng tạo, tình yêu nước. "Các cháu hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm nuôi dưỡng ý tưởng, thổi bùng đam mê, đương đầu thách thức, chấp nhận rủi ro để lập nghiệp thành công", Thủ tướng nói.
Ngoài các thành tựu đạt được, Thủ tướng thấy rằng hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn hạn chế, thiếu gắn kết, khoảng cách còn xa với các nước. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở giáo dục tại các địa phương còn thận trọng, các dự án chưa có sức lan tỏa. Hơn nữa, nhóm tư vấn khởi nghiệp có kinh nghiệm còn ít và "tâm lý ngại rủi ro" luôn thường trực trong đội ngũ quản lý giáo dục.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp giới trẻ với các doanh nghiệp. Cùng với đó, cấp có thẩm quyền phải cơ chế bảo đảm cho các ý tưởng dự án được bảo hộ, tránh việc mất bản quyền.
Với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, phổ thông, Thủ tướng đề nghị chủ động bố trí nguồn lực, sớm xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhà trường cũng cần phối hợp doanh nghiệp để "ươm mầm doanh nghiệp" ngay trong trường. Hơn nữa, trường học cần hỗ trợ giảng viên đăng ký sở hữu bằng độc quyền sáng chế để tạo khích lệ sáng tạo.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hàng năm, từ năm 2018 đến nay đặt mục tiêu hình thành ý tưởng, nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ.
Từ ngày hội đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Một số dự án đã được đầu tư thành công như "Bêtông xanh thân thiện với môi trường" của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ địa chất, "Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ quả Sơn Tra (táo mèo)" của nhóm học sinh trường THPT Trần Nhật Duật, Yên Bái.