Cuộc gặp diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos, Thuỵ Sĩ) ngày 19/1 có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và 15 đại diện các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, tài chính... lớn trên thế giới. Các đại gia này gồm General Electric, Bank of America, UPS, Siemens, Mizuho, Hanwha (2 người), Marsh & McLennan, Ecolab, Sagawa, Kirin, Fujitsu, Mitsubishi Motors, Lixil, Suez với tổng vốn hoá gần 1.000 tỷ USD.
Tại sự kiện kéo dài khoảng 60 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra tầm nhìn của Chính phủ với nền kinh tế và công nghệ Việt Nam trong những năm tới. Ông nhấn mạnh tiềm năng phát triển công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần 4 đang diễn ra.
Trước đề nghị cụ thể của một số doanh nghiệp, Thủ tướng đảm bảo với UPS rằng sẽ mở đường không vận, cho phép máy bay của hãng vận chuyển này tới Việt Nam, tuyển dụng phi công địa phương để mở rộng việc kinh doanh tại đây. Thủ tướng cũng khẳng định với Chủ tịch MMC International rằng Việt Nam đã mở cửa thị trường bảo hiểm theo đúng cam kết gia nhập WTO...
Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ "nằm trong top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin". Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về công nghệ trong tương lai gần, nếu được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trợ giúp.
Đáp lại, các doanh nghiệp tham gia cũng cam kết đầu tư vào Việt Nam qua các dự án về nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân sự cho sản xuất tự động, vận tải thông minh cũng như các chương trình hợp tác khác. Các hoạt động này hứa hẹn tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người Việt Nam trong những năm tới.
Cũng tại cuộc gặp, đại diện Siemens cho biết sẽ hợp tác với FPT về đào tạo nhân sự và giáo dục trong lĩnh vực sản xuất kỹ thuật số (digital manufacturing). Trong khi đó, Marsh & McLennan sẽ hợp tác chặt hơn với đối tác Việt Nam về các giải pháp tài chính số, còn Fujitsu mong muốn nhân rộng mô hình nông nghiệp số hóa ở Việt Nam.
Chia sẻ về gần một giờ đối thoại giữa doanh nghiệp quốc tế và Thủ tướng, Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình, người đứng ra kết nối 15 tập đoàn tham dự nêu trên cho biết các bên rất phấn khởi nghe Thủ tướng chia sẻ, đặc biệt là việc người đứng đầu Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ để phát triển ngành logistic hiện đại ở Việt Nam.
Cũng tham dự buổi gặp, Giám đốc điều hành WEF - Philipp Roesler đã chia sẻ chi tiết về biên bản hợp tác công - tư mà Chính phủ Việt Nam vừa ký với tổ chức này. Theo đó, WEF sẽ giúp Việt Nam phát triển các chương trình nghị sự về công nghệ, giáo dục, ngoại giao, hợp tác quốc tế. Ông cũng mong muốn các quốc gia khác học theo điển hình này của Việt Nam.
Hà Thu