Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 25/2 dự phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai tại Hà Nội với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm, và tự cường trong một thế giới biến động". Diễn đàn là sáng kiến được Thủ tướng công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 năm 2024.
Ra đời cách đây gần 60 năm, ASEAN đã trở thành cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng, là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu, là trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu. ASEAN cũng là cầu nối của đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực vào định hình trật tự thế giới.
Thủ tướng cho biết ASEAN được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP vượt 10.000 tỷ USD, có thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân và sẽ là trung tâm công nghệ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN ngày 25/2. Ảnh: Giang Huy
Thủ tướng đề xuất ba ưu tiên chiến lược, trước hết là củng cố một ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm. Thứ hai là xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ưu tiên chiến lược thứ ba của ASEAN là giữ vững giá trị và bản sắc, như tinh thần đồng thuận, hài hòa, thống nhất trong đa dạng và tôn trọng sự khác biệt.
Thủ tướng cũng nêu ba đột phá hành động của ASEAN, trong đó có xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn, bảo đảm vừa giữ nguyên tắc đồng thuận vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược, tạo đột phá.
Thứ hai là đẩy mạnh hợp tác công - tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực, nhất là các dự án trọng điểm. Thứ ba, tăng cường hơn nữa kết nối, nhất là kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hòa hóa thể chế, rút ngắn quá trình ra quyết định và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính trong từng nước ASEAN để triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng đoàn kết, bao trùm và tự cường là những yếu tố then chốt giúp ASEAN vững vàng vượt qua bối cảnh toàn cầu phức tạp ngày nay.
Đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của ASEAN, tự cường phản ánh khả năng của ASEAN trong việc điều hướng qua những bất ổn toàn cầu và những cú sốc bên ngoài có thể xảy ra. Tính bao trùm đảm bảo rằng tiến trình của ASEAN là công bằng và không có quốc gia thành viên hoặc nhóm nào bị bỏ lại phía sau.
"Điều đó cũng có nghĩa là ASEAN sẽ không đứng về phía nào, mà sẽ là người bạn, đối tác hợp tác với tất cả và đóng vai trò là cầu nối cho các cuộc đối thoại và hợp tác cho tất cả các bên", ông Sơn nói.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN ngày 25/2. Ảnh: Giang Huy
Diễn đàn Tương lai ASEAN có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao ASEAN, các nước đối tác, đại diện các cơ quan chuyên ngành liên quan ASEAN, tổ chức khu vực và quốc tế, chuyên gia, học giả, đại diện doanh nghiệp.
Những nội dung chính sẽ được thảo luận là các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới từ nay đến năm 2035, nhìn lại các nguyên tắc nền tảng của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai, hợp tác tiểu vùng để thúc đẩy năng lực tự cường và phát triển bền vững, quản trị các công nghệ mới nổi nhằm đảm bảo an ninh toàn diện, vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN trong một thế giới đang phân mảnh.
Ngọc Ánh