Trong cuộc hội kiến tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh chiều 26/6, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ và luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng, khẳng định ủng hộ Việt Nam bảo vệ độc lập dân tộc và tôn nghiêm quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hai bên cần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi cấp cao thường xuyên, đẩy mạnh giao lưu, trao đổi kênh Đảng và tăng cường hợp tác giữa các bộ ngành quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, công an.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao và hiệu quả thực chất, bền vững. Ông cũng muốn hai nước đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là hợp tác kết nối đường sắt, đường bộ, cửa khẩu trong khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với "Vành đai và con đường".
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, gạo, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Á và châu Âu qua Trung Quốc.
Lãnh đạo Việt Nam cũng mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác địa phương trở thành động lực tăng trưởng mới, nghiên cứu xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác kinh tế cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh. Các địa phương hai nước chủ động hợp tác, kết nối các chiến lược phát triển vùng miền; mở rộng hợp tác tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế.
Ông Tập nhất trí xem xét lựa chọn triển khai thí điểm khu kinh tế qua biên giới và nói Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định nước này ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng Trung Quốc và các nước xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất bền vững tại khu vực, thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục cải cách toàn diện, phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới sẽ đem lại cơ hội để hai bên triển khai hợp tác thương mại, hợp tác kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, kết nối kinh tế số. Chính phủ Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới nổi.
Hai bên cũng nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không để bất đồng trên biển ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều cùng ngày hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành hai bên đổi mới tư duy, triển khai thực chất các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nhất là Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn".
Ông Vương Hộ Ninh khẳng định sẵn sàng thúc đẩy cơ quan Chính hiệp các cấp Trung Quốc tăng cường giao lưu trao đổi, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thúc đẩy làm sâu sắc hợp tác thực chất giữa hai bên.
Ông Vương Hộ Ninh giới thiệu với Thủ tướng một số thành quả sáng tạo mới về lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là về đường lối "hai kết hợp" (xây dựng chủ nghĩa xã hội kết hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của Trung Quốc và văn hóa truyền thống), "hiện đại hóa kiểu Trung Quốc", phát triển "lực lượng sản xuất chất lượng mới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và làm việc tại Trung Quốc từ 24 đến 27/6. Chiều 24/6, Thủ tướng đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại Liên, thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực.