Tại buổi tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azoulay tại Hà Nội chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản thế giới, cùng nhiều hồ sơ di sản khác của Việt Nam, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của UNESCO và các nước thành viên khi công nhận nghệ thuật xòe Thái và thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thủ tướng nói Việt Nam sẽ chủ động đóng góp vào các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển của UNESCO, cũng như ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Theo bà Azoulay, Việt Nam là thành viên quan trọng của UNESCO, cam kết ủng hộ các đề xuất của Thủ tướng nhằm tăng cường hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam.
Bà cho rằng Việt Nam đã rất coi trọng chính sách văn hóa, gìn giữ và phát huy di sản, đánh giá cao việc Việt Nam coi giáo dục là một trong những động lực phát triển của quốc gia.
Đề cập đến lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết số 24 C/18.65 năm 1987 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam được tổ chức chiều cùng ngày, Tổng giám đốc UNESCO cho rằng dù thế giới có thể thay đổi, những tư tưởng, giá trị về văn hóa, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là minh chứng cho sức mạnh của một Việt Nam độc lập, thống nhất và hiện đại.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, mà ảnh hưởng của Người còn vươn xa ra ngoài biên giới đất nước. Trong suốt cuộc đời, Người đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và liên tục với nhiều nền văn hóa", bà phát biểu tại lễ kỷ niệm. "Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ giáo dục, văn hóa và di sản như giá trị chung của nhân loại".
Thanh Tâm