Trong buổi làm việc với Đại học Việt Nhật chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ của Đại học Việt Nhật là cung cấp tinh hoa, nhân tài cho xã hội. Trường không chỉ tập trung vào chuyên môn mà cần chú trọng xây dựng văn hóa, kỷ luật, giúp giới trẻ phát triển toàn diện từ kỹ năng đến tư cách và khả năng nghiên cứu.
"Đặc biệt, trường cần liên kết chặt chẽ và hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình và nội dung đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản, bám sát nhu cầu thực tế tại Việt Nam và cập nhật với trình độ quốc tế", Thủ tướng góp ý.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, để đạt được những mục tiêu to lớn đó thì Đại học Việt Nhật cần hoàn thiện mô hình phát triển và bộ máy quản trị theo hướng hiện đại. Là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Việt Nhật cần sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất dùng chung, đồng thời phát triển ngành công nghệ mũi nhọn mà các đối tác Nhật Bản có ưu thế và Việt Nam có nhu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ thông tin, Việt Nam đang soạn thảo nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho các trường đại học hợp tác quốc tế, áp dụng cho Đại học Việt - Đức, Đại học Việt - Pháp (nay là Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội), Đại học Việt - Nhật…
"Chính phủ hoàn toàn thống nhất cần có cơ chế riêng, tự chủ cho Đại học Việt Nhật. Các bộ, cơ quan Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành các quy định về việc vay vốn ODA ưu đãi từ Chính phủ Nhật cho xây dựng Đại học Việt - Nhật. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 6 tới của Thủ tướng, hai bên sẽ trao đổi thêm về việc này. Việt Nam cũng sẽ cân đối vốn đối ứng, thực hiện các hoạt động chuẩn bị để xây dựng trường tại Hòa Lạc", Thủ tướng cho hay.
Đại học Việt Nhật được thành lập năm 2014 theo quyết định của Thủ tướng và được xem như biểu tượng của tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Nhật Bản. GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật cho biết, trường nhận thức rất rõ vị trí của mình là một thực thể quan trọng góp phần đổi mới hệ thống giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Theo GS Furuta Motoo, để thực hiện được điều đó, trường xác định cần áp dụng phương thức quản trị đại học tiên tiến và đào tạo chất lượng cao theo chuẩn Nhật Bản ngay từ đầu. Sau khi được thành lập, trường có sự đồng hành của hơn 30 đại học Nhật Bản trong đó có các đại học Tokyo, Osaka, Tsukuba, Quốc lập Yokohama, Ritsumeikan, Waseda, Ibaraki và được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đặt mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu tập trung vào hai lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu hoặc yếu là công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành, trường đang triển khai 7 chương trình đào tạo thạc sĩ là Công nghệ Nano, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng, Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh và Biến đổi khí hậu & Phát triển.
"Tôi đề nghị Chính phủ khẳng định trường là do hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau xây dựng, từ đó quảng bá trong xã hội để thu hút nhiều người học tài năng vào học các lĩnh vực rất cần cho tương lai của Việt Nam như công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành", GS Furuta Motoo nói.