Sáng 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hà Nội, TP HCM và các bộ, ngành liên quan về Đề án hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM nhằm hiện thực hóa các định hướng của Bộ Chính trị về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tăng trưởng hai con số tại Hà Nội và TP HCM.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xây dựng Đề án với tư duy, cách làm hoàn toàn đổi mới để khi triển khai được nhanh chóng, hiệu quả. Đề án cần được phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan. Các bộ, ngành và Hà Nội, TP HCM cần phối hợp hoàn thiện thể chế liên quan phát triển đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung theo hướng hiện đại, đáp ứng thời kỳ phát triển mới.
Bộ Giao thông Vận tải được giao hoàn thiện quy hoạch đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung với tầm nhìn xa, theo hướng hiện đại, giảm tối thiểu giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới dân cư, an ninh, quốc phòng và các hoạt động kinh tế xã hội khác.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị nghiên cứu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; huy động các nguồn lực bao gồm nhà nước, tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư. Ngành cũng phải đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, áp dụng khoa học quản trị, vận hành, quản lý, khai thác theo hướng thông minh.
Thủ tướng cho rằng việc phân kỳ đầu tư là phù hợp và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng với việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, hai thành phố phải tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt và hệ sinh thái đường sắt theo hướng nhanh, xanh, công nghệ cao.
Trước mắt, Hà Nội và TP HCM cần hoàn thiện, trình Thủ tướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và TP HCM trước ngày 25/12/2024 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Theo quy hoạch giao thông vận tải của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị của thành phố dự kiến có chiều dài khoảng 413 km và hoàn thành 410,8 km vào năm 2035. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2040 (chưa được phê duyệt) nêu khoảng 200,7 km sẽ được hoàn thành vào năm 2045. Hiện tại, Hà Nội đã khai thác 21,5 km, còn 397,8 km chưa được đầu tư.
Quy hoạch phát triển giao thông của TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được phê duyệt nêu hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài 173 km và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2035, với chiều dài thực tế là 183 km. Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040 (chưa được phê duyệt) cũng đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 183 km vào năm 2035, thêm 168 km vào năm 2045 và khoảng 159 km vào năm 2060.
Sau khi hoàn thành, dự kiến mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội sẽ đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng, trong khi TP HCM sẽ đạt 30-40%. Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc phát triển đường sắt đô thị là tiền đề cho sự phát triển ngành công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.