Kết luận hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước đại dịch du lịch Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch chưa có đột phá. Covid-19 gây hậu quả tới nhiều ngành nghề, nhưng du lịch nặng nề hơn.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đề nghị các đơn vị nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo hơn, thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới để xử lý vấn đề. "Cung cấp dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có", Thủ tướng định hướng và lưu ý, phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể thế giới và khu vực.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững, hội nhập quốc tế. Ngành du lịch chú trọng liên kết với lĩnh vực khác, hình thành sản phẩm đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, ẩm thực...
Thương hiệu du lịch quốc gia được đẩy mạnh, định vị gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, "làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà".
Chính sách khuyến khích phát triển du lịch sẽ được bổ sung, tạo thuận lợi cho khách nội địa và quốc tế, trong đó có vấn đề liên quan visa, thuế. Thủ tướng nêu rõ, việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì nghiên cứu, báo cáo.
Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế, về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch. Hoạt động du lịch phải cơ cấu lại phù hợp với lợi thế đất nước, đáp ứng xu thế toàn cầu, thích ứng biến động thị trường. "Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ", Thủ tướng gợi ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đơn giản quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh, đi lại, lưu trú cho du khách. Các hãng hàng không trong nước và quốc tế được tạo điều kiện mở đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm.
Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến thế giới cũng được Thủ tướng lưu ý. Ông đề nghị đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Việt Nam sẽ chủ động tham gia, có sáng kiến hình thành các nhóm hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các nước, các điểm đến trong khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương.
Phục hồi nhanh và phát triển bền vững du lịch cần gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Thủ tướng nhấn mạnh tập trung phát triển cơ sở dữ liệu, nền tảng số kết nối thông tin cho công tác hoạch định chính sách và điều hành; phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. Các tập đoàn lớn về viễn thông, công nghệ thông tin phối hợp với các doanh nghiệp du lịch theo cơ chế thị trường trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch có chương trình đào tạo nhân lực du lịch bài bản hơn nữa.
"Tất cả cùng phải cố gắng, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn", Thủ tướng nói và giao các đơn vị nghiên cứu trình ban hành chỉ thị về thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, chia sẻ mấy chục năm trước, Việt Nam tiếp cận phần mềm, đi sau Ấn Độ nhưng đến nay không thua kém nước nào, muốn làm phần mềm nào là làm được. Du lịch phát triển mới có thương mại, hàng không, chuỗi cung ứng, việc làm và đặc biệt là đầu tư nước ngoài. "Bóng đá chúng ta có thể vươn lên thì sao du lịch lại không làm được?", ông Bình nêu.
Ông Bình khẳng định phải quan tâm đến quảng bá. Doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ và tự quảng bá. "Hạ tầng, bất động sản và điểm du lịch cần được chú trọng thời điểm này, đặc biệt cần quan tâm đến chuyển đổi số. Tất cả những giải pháp này sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu cạnh tranh với nhiều nước khác", ông Bình nói.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cũng nhấn mạnh ba yếu tố cơ bản để thu hút khách du lịch quốc tế là sản phẩm du lịch phải được đưa lên môi trường số, giúp truyền bá nhanh, rộng đến khách hàng lớn; số hoá sản phẩm di sản vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh mua sắm, thanh toán số và xử lý dữ liệu để quản lý, chăm sóc khách hàng.
Phó tổng giám đốc Saigontourist, Võ Anh Tài, đề xuất đa dạng hóa thị trường du lịch. Ông phân tích, các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đông Bắc Á chưa có dấu hiệu hồi phục do chính sách phòng, chống dịch Covid-19, cùng với xung đột, suy thoái kinh tế ở nhiều nước. Vậy nên Việt Nam cần tích cực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khơi thông từng bước các thị trường du lịch quốc tế này, nếu khai thông được thì việc tăng trưởng và phục hồi trở lại sẽ rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có giải pháp thu hút khách ở thị trường mới.
Ông Võ Anh Tài cũng đề xuất tăng cường khai thác khách du lịch cao cấp đến Việt Nam, với sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, thể thao, văn hóa.