Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Chính nêu khi kết luận hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chiều 3/8.
Thị trường bất động sản, nhất là một số dự án lớn sau thời gian đóng băng, gần đây đã "nhúc nhích" khởi động sau sự vào cuộc gỡ khó của Chính phủ, bộ ngành và địa phương. Tuy vậy, thị trường này vẫn chưa thực sự "tan băng".
Tại hội nghị lần thứ hai trong nửa năm qua về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan quản lý tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý, "xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu".
Ông lưu ý việc thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để tăng tính tự điều tiết của thị trường, hạn chế can thiệp hành chính. Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương sớm hoàn thành quy hoạch ngành, vùng, phân khu.
Thị trường đang yếu, thiếu cả phía cung và cầu, nên lãnh đạo Chính phủ cho rằng, ngoài chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng, cần giải pháp tài khóa mở rộng hợp lý thông qua giảm, giãn hoãn thuế, phí.
Cùng đó, cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, trong đó ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Bởi, cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở. Các chính sách này, ông ví von, sẽ giúp cung cấp oxy, dinh dưỡng cho doanh nghiệp.
"Các cơ quan đề cao trách nhiệm và hình thành cơ sở, hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung", Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục kiến nghị gỡ vướng về pháp lý, điều kiện cho vay... để thị trường thoát "ngủ đông".
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn nói, Nghị quyết 33 là nguồn "oxy quý báu" giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn.
Với các dự án của Novaland, theo ông Nhơn, đã có hướng giải quyết và đang được các địa phương tháo gỡ. Ông cũng mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án trên cả nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh phản ánh quy trình thủ tục để dự án được cấp giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân. Ông đề nghị các cơ quan có giải pháp hỗ trợ.
Dự án phát triển đến được giai đoạn có giấy phép xây dựng để thi công mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan, ông Trung giải thích.
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư IMG đồng tình, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng.
"Pháp lý có sự chồng chéo, cùng một vấn đề, một quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương. "Lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực", ông nói.
Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn kiến nghị, không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. "Quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân, quyền lợi ích của doanh nhân cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật", ông Nhơn nói.
Khó khăn tiếp theo được các doanh nghiệp nêu là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hiện, lãi suất vay trung hạn vẫn khá cao nên theo ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư IMG, doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay. Các biện pháp giảm lãi của ngành ngân hàng vừa qua kịp thời, nhưng "tăng lãi suất nên có thời hạn và định lượng".
Ông cho rằng các ngân hàng có giải pháp để hạ lãi vay trung hạn xuống quanh mức 8,5% một năm, để doanh nghiệp có khả năng vay, trả nợ.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị có chính sách khuyến khích hỗ trợ đặc biệt đơn vị trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở vùng khó khăn; doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải.
Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước rà soát cho vay tín dụng với bất động sản và có giải pháp để dự án, người mua nhà tiếp cận được tín dụng.
Các ngân hàng thương mại chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản thủ tục vay trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Cơ quan quản lý tiền tệ cùng Bộ Xây dựng, địa phương đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư các dự án bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ Tài chính được yêu cầu rà soát, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và tăng hợp tác công tư trong phát triển nhà ở xã hội.