Trong phiên chất vấn ngày 17/11, đại biểu Đỗ Văn Đương băn khoăn trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng hiện một số địa phương đã và đang có ý định hoành tráng hóa trụ sở tập trung lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
"Tôi thấy đây là vấn đề rất hệ trọng. Tôi xin được hỏi ý kiến của Thủ tướng về vấn đề xây dựng công sở tập trung và nhất là quan điểm xử lý của Thủ tướng trước đề xuất hoành tráng công sở quá định mức của một số địa phương", ông Đương đặt vấn đề.
Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết các khu hành chính ở các địa phương hình thành theo quá trình lịch sử nhiều năm, không được quy hoạch từ trước. Vì vậy, những khu này chiếm diện tích rất lớn, khoảng 33 ha cho mỗi khu.
Trong quá trình hình thành, rất nhiều trụ sở nằm giữa trung tâm kinh tế, thương mại, không phù hợp với điều kiện phát triển. Vì vậy, trong đề án cải cách hành chính tổng thể đã đưa ra nội dung xem xét, quy hoạch tập trung để người dân tiếp xúc các dịch vụ công tiện lợi hơn.
Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch trung tâm hành chính tập trung để phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị của địa phương đó; Đồng thời, cần phân kỳ các dự án đầu tư phù hợp với khả năng tài chính của từng tỉnh, thành.
Trên cơ sở chuyển đổi mục đích sử dụng, Chính phủ dự tính nếu quy hoạch tập trung, có thể rút diện tích các khu hành chính từ trung bình từ 33 ha xuống còn 3-6 ha, tiết kiệm được rất nhiều.
Một số địa phương đã thành công như Lào Cai, quy hoạch trung tâm hành chính thành khối, di dời các sở, ngành đang ở trung tâm ra bên ngoài và chuyển dịch thành đất thương mại. Từ đó dành được vốn để xây dựng các trung tâm hành chính, bảo đảm được chương trình cải cách tổng thể.
Tuy vậy, Phó thủ tướng cũng thừa nhận, thời gian vừa qua, một số địa phương khi thực hiện quy hoạch đã xây dựng đề án đòi hỏi nguồn vốn lớn. Vì thế, vừa qua Thủ tướng đã ra chỉ thị tạm dừng việc này, giao cho Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá những trung tâm hành chính đã thực hiện, những mặt được và hạn chế. Sau đó Thủ tướng sẽ có văn bản chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện phù hợp với từng địa phương.
Về việc di dời các cơ sở giáo dục, trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính...ra khỏi trung tâm nội đô, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay đây là công việc đã được Thủ tướng chỉ đạo từ 2008-2010. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có hai trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM với khoảng 10 triệu dân, nên việc di dời các cơ sở ở khu trung tâm để giảm sức ép về hạ tầng, tạo đô thị bảo đảm văn minh, xanh sạch đẹp là cần thiết.
"Nhưng những năm qua khi chỉ đạo thực hiện, các Bộ có liên quan và UBND TP Hà Nội, TP HCM đều xây dựng những đề án đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Vì vậy việc triển khai gặp khó khăn, chưa thực hiện được", Phó thủ tướng cho hay.
Tháng 1/2015, Thủ tướng có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành có liên quan phải rà soát lại danh mục cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục để xây dựng đề án dịch chuyển ra ngoài. Các Bộ cũng phải xây dựng đề án di chuyển trụ sở cùng với các đề án về tài chính, giao cho Bộ Tài chính kiểm tra, thẩm định và trình Thủ tướng.
"Nếu không có nguồn lực về tài chính thì việc di dời rất khó khăn nên xây dựng lộ trình là giải pháp đúng, phù hợp là điều cần thiết để triển khai trong thời gian tới", ông Hải nói.
Mới đây, một số địa phương có đề án xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng, như Hải Phòng dự tính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố rộng 324 ha với tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, Khánh Hòa 4.300 tỷ đồng...
Hoàng Thùy