Ngay sau khi báo chí Nhật Bản loan tin, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ, đề nghị phía bạn chuyển hồ sơ để Việt Nam xử lý. Hiện phía Nhật Bản đã gửi hồ sơ liên quan.
Theo nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, đầu tuần trước, trong phiên xét xử tại tòa án quận ở Tokyo, 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã bị buộc tội vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có điều nghiêm cấm hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài. Cả 4 người đều thừa nhận mình phạm tội.
Các công tố viên cho biết, PCI thừa nhận từng đưa cho một cán bộ có liên quan đến việc giám sát các công trình xây dựng ở TP HCM 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng.
Trả lời VnExpress.net về động thái của Keangnam đặt cược 100 tỷ đồng tiến độ thi công, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Về thủ tục đầu tư dự án, Keangnam đã tuân thủ đúng pháp luật. Còn vấn đề đặt cược 100 tỷ đồng, Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, sớm trả lời công luận".
Cũng tại buổi họp báo, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, thời gian qua, tham nhũng vẫn phổ biến, nghiêm trọng làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Tình hình trên có nguyên nhân cơ bản là còn thiếu một kế hoạch dài hạn với mục tiêu rõ ràng, giải pháp toàn diện.
Tại phiên họp hôm nay, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với dự thảo Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Dự thảo sẽ trình Bộ Chính trị trong tháng 12.
Dự thảo đề cập đến 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, tăng cường tính công khai trong hoạt động công quyền. Thứ hai, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch. Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng. Thứ năm, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội phòng chống tham nhũng.
Theo ông Truyền, dự thảo cũng đề cập đến việc nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng quốc gia. Tuy nhiên, qua thảo luận, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cho rằng, chưa cần thiết phải thành lập cơ quan này. Hiện, đã có một số cơ quan chuyên trách chống tham nhũng tại Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... Nếu các cơ quan này được củng cố, hoạt động tốt có thể hoàn thành nhiệm vụ chống tham nhũng.
Trả lời VnExpress.net về cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức cán bộ để xảy ra tham nhũng, Tổng thanh tra cho biết, cơ chế hiện nay còn nhiều phiền phức, khi bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ phải qua nhiều tầng nấc, quy trình, gây khó khăn cho công tác chống tham nhũng.
"Thời gian tới, việc bổ nhiệm phải gắn liền với quy trách nhiệm. Trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm, chúng ta có thể xem xét miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm cán bộ khi vi phạm", ông Truyền nói.
Việt Anh