Ngày 12/2, thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Mục tiêu là xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trên thực tế, cuộc cách mạng này đã sắp hoàn thành. Kỳ họp Quốc hội bất thường lần 9 này sẽ kiện toàn các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý tinh gọn bộ máy. Trong tháng 2, các cơ quan sẽ thực hiện xong tinh gọn bộ máy, để tháng 3 bắt đầu vận hành và chuẩn bị đại hội đảng các cấp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng lường trước rằng bộ máy mới vận hành có thể sẽ phát sinh những vướng mắc, trục trặc cần phải điều chỉnh. Thực tiễn luôn đặt ra những bài toán có thể thuận lợi hoặc khó khăn, đòi hỏi sự giải quyết kịp thời. Do đó, việc sửa đổi pháp luật để giải quyết bất cập từ thực tiễn là điều cần thiết, bởi theo ông "luật pháp là ta, quy định là ta".
![Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ ở Quốc hội, sáng 12/2. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/4a8ce0e537b789e9d0a6-173934162-6245-3469-1739342083.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kgrQOuCHcEi66NWr5D2INQ)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ ở Quốc hội, sáng 12/2. Ảnh: Giang Huy
Việc gì cũng giao Thủ tướng "là không cần thiết"
Nhấn mạnh sự cần thiết của phân quyền, Thủ tướng chia sẻ câu chuyện về quyết định "mong manh" liên quan đến việc phá đập thủy điện Thác Bà trong trận mưa lũ năm ngoái.
Vào tháng 9/2024, sau cơn bão Yagi, lượng nước đổ về hồ Thác Bà vượt quá khả năng xả, gây ra nguy cơ mất an toàn. Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái kiểm soát lũ từ thượng nguồn và giao cho Hà Nội cùng các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái chuẩn bị cho "kịch bản xấu nhất" có thể xảy ra với hồ Thác Bà.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận thấy rằng người quản lý đê điều là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nên giao quyền quyết định phá đập cho Bộ trưởng là hợp lý hơn là giao cho Thủ tướng. Trong điều kiện mưa lũ, Thủ tướng phải di chuyển liên tục để chống bão, việc liên lạc gặp khó khăn, mà Bộ trưởng Nông nghiệp phải chờ chỉ đạo từ Thủ tướng là "không phù hợp".
Để giải quyết tình huống này, ông đã cử Phó thủ tướng Lê Thành Long đến hồ Thác Bà để thị sát tình hình. Nếu không thể liên lạc được với Thủ tướng, ông Long có quyền đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm. Tinh thần được giao là nếu quyết định phá đập thì phải di dời ngay 10.000 người dân có thể bị ảnh hưởng.
Từ câu chuyện này, Thủ tướng cho rằng pháp luật chỉ cần giao Bộ trưởng quyết định chịu trách nhiệm nếu phá đập, không cần báo cáo Thủ tướng. "Khi thiết kế luật, cần có không gian sáng tạo, phân cấp, phân quyền nhiều hơn để giảm thiểu các thủ tục hành chính", lãnh đạo Chính phủ nói.
Cần không gian sáng tạo trong xây dựng pháp luật
Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo không gian sáng tạo khi xây dựng luật, dẫn chứng từ thực tiễn phòng chống dịch, ứng phó thiên tai và điều hành kinh tế.
Trong đại dịch Covid-19, khi đến một phường tại TP HCM, Thủ tướng chứng kiến tình huống đặc biệt: 2.000 người nhiễm bệnh nhưng không ai tử vong. Chủ tịch phường cho biết đã linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc: phong tỏa, cách ly, tổ chức đội mua thực phẩm, thuốc men giao tận nhà, thậm chí phát lá xông, kết hợp Đông - Tây y. Nhờ đó, dù cả phường nhiễm bệnh nặng, không ai tử vong. "Đó là sáng tạo. Nếu chỉ làm theo quy định cứng nhắc thì đâu thể hiệu quả như vậy", ông nói.
Tương tự, khi lũ quét tại Lào Cai, trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà phát hiện đất nứt lở liền chủ động sơ tán toàn bộ dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên do mất thông tin liên lạc, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo Thủ tướng rằng cả thôn bị lũ cuốn trôi. Đoàn công tác đến kiểm tra cũng không thể tiếp cận vì địa hình chia cắt. Mãi sau họ mới nhận tin cả thôn vẫn còn sống nhờ quyết định kịp thời của trưởng thôn.
Thủ tướng cho rằng nếu di dời an toàn, trưởng thôn là anh hùng. Nhưng nếu trong quá trình sơ tán, người dân gặp nạn, ông ấy có thể bị coi là tội đồ. Do đó, pháp luật phải bảo vệ những người dám hành động vì cộng đồng.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng phải linh hoạt, đáp ứng tốc độ thay đổi nhanh của thực tế. Ông lấy ví dụ khi Mỹ áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu, nhiều nước lập tức có biện pháp ứng phó. Trong khi đó, theo quy trình hiện hành, Việt Nam phải qua nhiều bước xin ý kiến, dễ dẫn đến chậm trễ.
"Các doanh nghiệp cho biết có thể làm 60 km đường chỉ trong 6 tháng, nhưng nếu theo quy trình nhà nước thì thời gian kéo dài tới 3 năm. Luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, tạo dư địa để cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng hay trục lợi nhóm", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Viết Tuân