"Đây không phải là vấn đề về luật pháp, nó hoàn toàn về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa", AFP hôm qua dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.
PCA được cho là sắp đưa ra phán quyết về vụ việc Philippines kiện đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong đầu tháng 7. Giới quan sát nhận định phán quyết sẽ có lợi cho Manila.
Ông Hun Sen hôm qua cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng Phnom Penh chịu áp lực từ Bắc Kinh nên đã "góp phần" gây ảnh hưởng tới bản tuyên bố chung của ASEAN tuần trước.
Ông miêu tả việc cáo buộc Phnom Penh gây khó dễ cho bản tuyên bố chung là "không thể chấp nhận được", "rất bất công với Campuchia" và "lợi dụng Campuchia để chống lại Trung Quốc".
Dù các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp tuần trước cùng người đồng cấp Trung Quốc tại Côn Minh vẫn ra bản tuyên bố chung nhưng sự kiện này đã kết thúc trong ồn ào khi hiệp hội bị cho là "chia rẽ" về vấn đề Biển Đông. Sau khi Malaysia đưa ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về hoạt động xây dựng ở Biển Đông, văn bản này đã bị thu về.
Một số tờ báo dẫn các nguồn tin ngoại giao ASEAN cho hay Lào, Campuchia và Myanmar là những nước phản đối bản tuyên bố đầu tiên.
Vụ việc này gợi lại sự cố hồi năm 2012, các Ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung khi họp tại Phnom Penh, trong năm Campuchia làm chủ tịch ASEAN.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Trung Quốc được cho là đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của các nước trước khi Toà trọng tài Thường trực được thành luật theo Công ước luật biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines khởi kiện. Bắc Kinh không tham gia phiên xử và nói sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào dù nước này là thành viên của UNCLOS và theo quy định phải có nghĩa vụ thực hiện các phán quyết của tòa.
Sự khác nhau trong danh sách của Trung Quốc và tuyên bố các nước về lập trường đối với vụ kiện "đường lưỡi bò". Đồ họa: WSJ. Xem ảnh lớn tại đây |
Xem thêm: Sự thật về liên minh 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc
Khánh Lynh