Tháp tùng Thủ tướng Campuchia trong chuyến thăm Myanmar hai ngày 7-8/1 là Phó thủ tướng và Ngoại trưởng Prak Sokhonn, theo Bộ Ngoại giao Campuchia. Hun Sen sẽ gặp thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. Ông không gặp cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Một ngày trước chuyến thăm của Hun Sen, Ngoại trưởng Campuchia cảnh báo Myanmar có "tất cả yếu tố dẫn đến nội chiến". Sokhonn cũng bác bỏ chỉ trích cho rằng chuyến thăm của Hun Sen sẽ "hợp pháp hóa" chính quyền quân sự Myanmar.
Thủ tướng Campuchia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, cho biết ông sẵn sàng kéo dài chuyến thăm Myanmar nếu có thể giúp xoa dịu căng thẳng. Hun Sen đồng thời kêu gọi ngừng bắn, nói rằng "tất cả các bên liên quan phải ngừng bạo lực".
Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2/2021. Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính kéo dài và leo thang trong năm qua, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ giữa người dân với lực lượng an ninh.
Theo chính quyền quân sự Myanmar, hơn 70 quân nhân và 93 cảnh sát nước này đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính. Trong khi đó, nhóm quan sát địa phương nói rằng hơn 1.100 dân thường ở Myanmar đã chết trong các cuộc biểu tình hậu đảo chính.
Trong năm Brunei làm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2021, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar không được mời tham dự hai sự kiện quan trọng gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 hồi tháng 10 và Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại tháng trước. Quyết định được đưa ra sau khi Myanmar không đồng ý để đặc phái viên ASEAN khi đó là Erywan Yusof, Ngoại trưởng thứ hai của Brunei, tới Myanmar gặp cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
ASEAN đã nỗ lực thực hiện vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng Myanmar. Hồi tháng 4, khối đạt đồng thuận 5 điểm nhằm khôi phục ổn định cho Myanmar, nhưng chính quyền quân sự nước này được cho là không nghiêm túc thực thi thỏa thuận.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)