Trong công điện tối 30/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch các tỉnh, thành không để xảy ra tình trạng trục lợi, phản văn hóa. Những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi phải bị xử lý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ, Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các địa phương kêu gọi người dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định; tuyên truyền để người dân hiểu về nguồn gốc lễ hội, di tích, nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.
"Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và nhà nước", Thủ tướng lưu ý.
Nhiều năm qua, dịp đầu năm mới, rất nhiều chùa ở miền Bắc tổ chức dâng sao giải hạn cho người dân và phật tử, trong đó chùa Phúc Khánh (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải. Có đêm, hàng nghìn người ngồi kín quãng đường dài trước cửa chùa để thực hiện nghi lễ này.
Từ năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn. Bộ cho rằng các chùa cúng sao giải hạn "là biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi".
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng nhiều lần khẳng định giáo lý Phật giáo chỉ có lễ cầu an chứ không có dâng sao giải hạn. Giáo hội không khuyến khích tổ chức dâng sao, giải hạn trong các cơ sở thờ tự.
Năm 2019, báo chí phản ánh chùa Ba Vàng do sư Thích Trúc Thái Minh trụ trì tổ chức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Sau đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, TP Uông Bí yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt hoạt động này.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh sau đó bị bãi nhiệm tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, song vẫn trụ trì chùa Ba Vàng. Ông được khôi phục chức vụ Phó trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hồi tháng 3, sau gần 4 năm bị bãi nhiệm.