"Các nhà khoa học đã làm được", Johnson phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/12. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh người dân không nên quá lạc quan mà vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống Covid-19.
"Chúng ta không còn hy vọng quay trở lại tình trạng bình thường vào mùa xuân tới. Nhưng thay vào đó chúng ta chắc chắn rằng sẽ thành công và cùng nhau giành lại sự sống và mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống mà chúng ta mến yêu", Johnson nói.
"Chúng ta đã chờ đợi và hy vọng đến một ngày khi ánh sáng của khoa học có thể rọi tới kẻ thù vô hình và cho chúng ta sức mạnh để ngăn chặn kẻ thù đó gây bệnh tật. Các nhà khoa học đã làm được và họ đã sử dụng chính virus này như một dạng kháng thể sinh học để biến chúng thành một loại vaccine", ông nói thêm.
Thủ tướng Anh thừa nhận vẫn còn "những thách thức rất lớn về hậu cần". "Một điều không thể tránh khỏi là sẽ phải mất vài tháng trước khi những khu vực dễ bị tổn thương nhất vì Covid-19 được bảo vệ. Đó là những tháng ngày dài, lạnh lẽo. Điều quan trọng hơn là trong khi ăn mừng thành tựu khoa học này chúng ta không thể quá lạc quan hoặc tin tưởng một cách ngây thơ rằng cuộc chiến đã kết thúc".
Phó Giám đốc Y tế Anh Jonathan Van-Tam cho biết ông rất xúc động khi theo dõi cuộc họp báo công bố việc phê duyệt vaccine Covid-19 ngày 2/12.
"Đó quả là một hành trình dài và đầy nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Vaccine này được hai nhà khoa học từng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện. Nó được một công ty công nghệ sinh học của Đức phát triển cùng với sự tham gia của một tập đoàn được phẩm khổng lồ của Mỹ. Sau đó Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của Anh đã đưa loại vaccine này về nước", Van-Tam cho biết.
Dù vậy Van-Tam cũng thận trọng cho rằng việc triển khai tiêm vaccine có thể kéo dài vài tháng thay vì chỉ vài tuần và các biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội vẫn phải được tuân thủ. "Nếu chúng ta thả lỏng quá sớm. Nếu chúng ta tin rằng có vaccine rồi đừng thận trọng nữa chúng ta sẽ lại tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới".
Khi được hỏi liệu Johnson có thất bại trong việc bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương nhất nếu họ không nhận được vaccine đầu tiên, Van-Tam cho rằng vaccine là "sản phẩm phức tạp và rất khó xử lý". Ông giải thích vaccine "không phải là sữa chua có thể lấy ra khỏi tủ lạnh rồi lại để vào nhiều lần".
Van-Tam cũng không tin rằng nhân loại "có thể diệt trừ Covid-19 vĩnh viễn" nhưng sẽ có lúc nó chỉ còn là "một dịch bệnh theo mùa" như bệnh cúm. "Tôi có tin rằng sẽ có lúc chúng ta tổ chức một bữa tiệc lớn và nói rằng dịch bệnh đã ở lại phía sau giống như kết thúc một cuộc chiến hay không? Không, tôi không tin".
Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép cho một loại vaccine ngừa Covid-19 và việc tiêm chủng mở rộng dự kiến tiến hành trong tuần tới. Vacinne của Pfizer/BioNTech đã được MHRA cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine từ Pfizer. Số lượng này đủ cho 20 triệu người dùng. Mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 21 ngày. Vaccine của Pfizer phải trữ ở nhiệt độ -70oC và chứng tỏ được hiệu quả tới 95% trong những lần thử nghiệm cuối cùng. 800.000 liều vaccine đầu tiên sẽ đến Anh trong tuần tới và số còn lại sẽ đến trong những tuần tiếp theo.
Khánh An (Theo Guardian)