"Tôi nghĩ rằng những gì mọi người chú ý chính là lúc xuống dốc hoặc lên xuống bậc thềm ở Cung điện Blenheim, ông ấy đều cầm tay tôi. Ông ấy nói làm như vậy để giúp tôi đi và tôi cũng chỉ nghĩ như vậy thôi", Thủ tướng Anh hôm 15/7 trả lời trước nghi vấn về vấn đề sức khỏe, theo Sun.
Bà cũng bác bỏ suy đoán cho rằng việc để Tổng thống Mỹ cầm tay khiến bà trông "có chút phục tùng". "Đó là mức độ cao nhất trong mối quan hệ đặc biệt mà chúng tôi có", bà May nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm Anh hai ngày, Tổng thống Mỹ liên tục cầm tay Thủ tướng Anh khi họ đi xuống bậc thềm ở cung điện Blenheim để chuẩn bị ăn tối hôm 12/7. Một ngày sau đó, hai lãnh đạo tiếp tục cầm tay lúc đến cũng như lúc rời khỏi cuộc họp báo chung.
Trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Anh năm ngoái, Trump cũng cầm tay bà khi họ cùng bước đi ở hàng lang Nhà Trắng. Hành động này từng bị báo chí Anh coi là gây rắc rối. Một cựu bộ trưởng Anh thậm chí cho rằng Thủ tướng nước này trông như bị Tổng thống Mỹ dắt đi.
Tại thời điểm đó, cũng có những suy đoán cho rằng Tổng thống Mỹ mắc chứng sợ dốc và cầu thang bathmophobia. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh nói rằng khi đó bà và Trump đang bước xuống một đoạn dốc, ông nhắc rằng nó hơi bất tiện nên đã cầm tay bà. "Tôi nghĩ ông ấy thực sự là một quý ông", bà May nói.
Sau khi Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, Theresa May là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm Nhà Trắng, thúc đẩy quan hệ song phương mật thiết giữa hai nước. Anh cũng là một trong số ít các nước NATO đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng theo đề nghị của Trump.
Tuy nhiên, Trump từng nhiều lần khiến công chúng và chính trị gia Anh phẫn nộ vì những phát ngôn gây tranh cãi về phụ nữ, di dân, đặc biệt là sắc lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. London cũng phản đối việc Trump ký sắc lệnh tăng thuế nhôm thép, rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Huyền Lê