Trả lời:
Theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền… thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng…”.
Liên quan đến việc ly hôn, Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng…”.
Trong trường hợp này, nếu các bên có yêu cầu về tài sản thì giải quyết như trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật, cụ thể là tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và con.
Theo các quy định vừa viện dẫn thì trường hợp hai người chỉ làm lễ ở nhà thờ mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng, nay do mâu thuẫn muốn chấm dứt việc chung sống để lấy người khác thì phải làm đơn gửi đến tòa án cấp quận, huyện nơi họ đang cư trú để đề nghị giải quyết. Tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết.
Việc cha mẹ chấm dứt việc chung sống sau khi bị tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng cũng không làm mất quyền thừa kế của con. Nếu người cha chết không để lại di chúc thì người con đẻ sẽ được hưởng một suất thừa kế (theo pháp luật) trong phần di sản của người cha.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
Số 8 Đình Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.hongha.vn