Các trung tâm y tế nội thành chỉ khám sức khoẻ cho đối tượng khu vực nội thành, còn trung tâm y tế thuộc huyện ngoại thành không được phép khám, cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho người điều khiển mô tô 2 bánh. Bộ hồ sơ đã hoàn thiện nộp cho cơ sở đào tạo sát hạch cùng khoản lệ phí thi là 170.000 đồng (gồm cả lệ phí học luật).
Bộ hồ sơ xin cấp lại GPLX mất, hỏng gồm: Đơn xin đổi GPLX (theo mẫu) có xác nhận của cơ quan, tổ chức (nơi đang công tác, học tập) hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú; giấy chứng nhận sức khoẻ (theo mẫu) dán ảnh có dấu giáp lai và được kết luận đủ sức khoẻ lái xe theo từng hạng; toàn bộ hồ sơ gốc; trường hợp bị mất GPLX phải nộp đơn trình bày lý do mất có xác nhận của công an; nếu bị hỏng GPLX thì nộp đơn trình bày lý do hỏng có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang công tác, học tập hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú và GPLX bản chính.
Ông Nguyễn Xuân Tân - Trưởng phòng Quản lý phương tiện giao thông TP Hà Nội - cho biết thêm, sau thủ tục này, người mất GPLX chỉ được cấp bằng tạm thời 6 tháng. Hết thời hạn này nếu chủ thể không bị thu giữ GPLX lần nào, họ sẽ được cấp chính thức. Nếu GPLX bị mất và không còn hồ sơ gốc thì phải dự khoá đào tạo mới.
Người mang quốc tịch Việt Nam có GPLX do nước ngoài cấp (còn giá trị sử dụng), muốn đổi lấy GPLX của Việt Nam phải hoàn thiện bộ hồ sơ gồm: Đơn xin đổi GPLX (theo mẫu) có xác nhận của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương; giấy chứng nhận sức khoẻ có dán ảnh, đóng dấu giáp lai; photocopy hộ chiếu hoặc giấy hoàn tất thủ tục nhập cảnh thể hiện được thời gian từ ngày về nước đến khi đổi GPLX không quá 12 tháng; bản dịch GPLX nước ngoài sang tiếng Việt đã được công chứng; 2 ảnh mầu cỡ 3x4. Khi nộp hồ sơ xin đổi GPLX phải xuất trình GPLX nước ngoài, hộ khẩu, hộ chiếu để đối chiếu. Sau khi đổi, GPLX nước ngoài sẽ bị cắt góc. Trường hợp chủ thể thường xuyên xuất cảnh, có nhu cầu sử dụng GPLX nước ngoài thì phải làm đơn trình bày lý do đề nghị không cắt góc (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
(Theo Lao Động)