Ông Tuyên nêu quan điểm trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, chiều 10/5. "Số ca bệnh ghi nhận trong những ngày qua đều là F1, đã được khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu từ những ngày trước, nên khả năng lây ra cộng đồng thấp. Do chúng ta truy vết thần tốc, số F1 đông, nhưng năng lực xét nghiệm của địa phương có dịch chưa theo kịp dẫn đến công bố kết quả xét nghiệm chậm", ông Tuyên giải thích số ca bệnh những ngày qua tăng cao.
Khẳng định các ổ dịch hiện tại cơ bản được kiểm soát, ông Tuyên đề nghị tiếp tục nguyên tắc chống dịch từ đầu là "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị". Giải thích rõ hơn về tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công" theo tinh thần của Thủ tướng, ông Tuyên nói "phải phát hiện nhanh, khoanh vùng nhanh để hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng".
Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm gồm truy vết, lấy mẫu, bảo đảm máy móc, sinh phẩm, kỹ thuật viên; khoanh vùng gọn, tránh cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. "Cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở khu vực có nguy cơ, chủ động tìm F0", ông Tuyên nói.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết số ca bệnh nhiều, nhưng qua phân tích dịch tễ của các chuyên gia, chỉ có 4 nguồn chính. Thứ nhất, nguồn lây từ TP Đà Nẵng gồm hai nhánh: Nhánh một là ca bệnh từ khu cách ly tập trung, về Hà Nam lây ra cộng đồng; nhánh hai từ quán bar và cơ sở thẩm mỹ lây ra nhiều tỉnh. Các địa phương đã truy vết được hết F1 nên "cơ bản kiểm soát được nguồn lây".
Thứ hai là nguồn bệnh từ khu cách ly ở Yên Bái, lây nhiễm chéo trong các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó lây xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh. "Các địa phương đã lấy được tất cả mẫu F1 và nhiều mẫu F2, dự kiến sắp tới có thêm một số ca, nhưng về cơ bản chúng ta kiểm soát được", ông Thuấn nói.
Thứ ba là nguồn bệnh từ Hải Dương, do người nhập cảnh trái phép từ Lào về, đang được kiểm soát chặt chẽ.
Thứ tư là nguồn bệnh từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (huyện Đông Anh, Hà Nội) lây ra nhiều tỉnh, Bệnh viện K. "Chùm ca bệnh từ Bệnh viện K đã cơ bản được kiểm soát. Các địa phương đã truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng rất nhanh, dự kiến sẽ ghi nhận thêm một số ca mới, nhưng khoảng 3-5 ngày tới sẽ kiểm soát được tình hình", ông Thuấn cho biết.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu thực tế nhiều địa phương gặp khó khăn về tài chính khi mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch. Ông đề nghị việc mua sắm phục vụ chống dịch "phải theo cơ chế thời chiến", cần xét nghiệm sàng lọc ở những nơi có nguy cơ cao, nhất là khu công nghiệp, bệnh viện...
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng dịch bệnh bùng phát lần này "là do chúng ta sở hở, tuy nhiên tình hình vẫn trong tầm kiểm soát". Ông đề nghị tăng cường lực lượng cho tuyến biên giới.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "nếu vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hay trông chờ, ỷ lại thì chúng ta sẽ phải gánh hậu quả khôn lường, trả giá rất đắt". Ông nhắc nhở siết lại hoạt động của tổ 5 người gồm: Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải.
"Chúng ta làm việc ngày đêm vất vả, làm trăm việc tốt, nhưng chỉ một việc không tốt cũng để xảy ra hậu quả. Ngành y tế phải rút kinh nghiệm, siết chặt kỷ luật, thực hiện đúng quy định, trước hết là 5K", Thủ tướng nói và chỉ rõ lực lượng tuyến đầu làm việc vất vả nhưng còn sơ hở. Lực lượng công an, quân đội rà soát các điểm sơ hở trong kiểm soát biên giới, xử lý người nhập cảnh trái phép.
Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định các mức độ nguy cơ dịch bệnh và giải pháp để địa phương áp dụng. "Tinh thần là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm để các địa phương hoang mang, dao động, mất bản lĩnh", Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế có câu trả lời rõ ràng về số lượng vaccine về khi nào. Bộ Ngoại giao tích cực tìm kiếm nguồn cung vaccine.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 458 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng ở 26 tỉnh, thành.