"Ổ dịch ở Bắc Ninh có nguồn lây rõ ràng từ người đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 trở về, đến nay các ca bệnh vẫn theo dấu nguồn lây, chưa bị mất dấu. Do đó, tỉnh phải tranh thủ cơ hội này từng giờ từng phút truy vết nguồn gốc", Thứ trưởng Tuyên yêu cầu khi làm việc với lãnh đạo Bắc Ninh ngày 8/5.
Tỉnh đã ghi nhận 46 ca dương tính nCoV chỉ trong một tuần. Trong đó, Thuận Thành là huyện có số ca mắc nhiều nhất với 37 ca, riêng xã Mão Điền có tới 34 ca. Hiện dịch đã xuất hiện tại 5 trong số 8 huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh.
Thứ trưởng nhấn mạnh "chiến lược chống dịch là tốc độ: Thần tốc phát hiện - cách ly - khoanh vùng và xét nghiệm". Ông đánh giá Bắc Ninh đang làm rất tốt tốc độ và phải quyết giữ bằng được tốc độ này.
Bí thư tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết hiện tỉnh xác định gần 1.000 người thuộc diện F1 đang cách ly tập trung, còn hơn 200 mẫu xét nghiệm F1 đang chờ kết quả. Nếu phát sinh thêm ca nhiễm, số F1, F2... lại "phình rộng" ra. Riêng huyện Thuận Thành, nếu mở rộng xét nghiệm cho người dân sẽ phải lấy tới 180.000 mẫu chưa kể lực lượng công nhân lao động. Do đó, bà Lan mong Bộ Y tế hỗ trợ cho Bắc Ninh về nhân lực, test kit xét nghiệm, các thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, đồ bảo hộ, dung dịch khử khuẩn...)...
Tại huyện Thuận Thành, toàn bộ cán bộ UBND xã Mão Điền trong diện F1 do cơ quan này có một bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, 47 cán bộ, chiến sĩ công an huyện này và toàn bộ cán bộ xã Xuân Lâm đang thuộc diện F2. Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành xin ý kiến về việc cho các F1 này cách ly tại xã để "vừa cách ly vừa chỉ đạo chống dịch", còn F2 được cách ly tại cơ quan.
Thứ trưởng Tuyên khẳng định "dứt khoát F1 phải cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà, việc cách ly này phải rất chặt chẽ".
Phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh đưa F1 đi cách ly tập trung là để chặt đứt nguồn lây khỏi cộng đồng một cách triệt để vì thế tuyệt đối không để sót ai.
"Để F1 ở cộng đồng là quá nguy hiểm", ông Dương nói, và rằng để F1 ở nhà hay ở cơ quan sẽ lây cho cả nhà, cả cơ quan, sẽ thành ổ dịch lớn, chưa kể dễ mất dấu.
Chuyên gia Bộ Y tế nhấn mạnh khi có ổ dịch tại cộng đồng, việc khoanh vùng phong tỏa phải theo nguyên tắc: khoanh vùng tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Sau khi có kết quả xét nghiệm, đánh giá nguy cơ, các mối liên quan dịch tễ, sẽ tiến hành thu dần diện khoanh vùng, nguy cơ đến đâu khoanh vùng đến đó để tiến tới "phong tỏa cứng" gọn nhất có thể.
"Việc phong tỏa phải làm nghiêm, giúp khóa chặt ổ dịch", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Dương khẳng định bên trong ổ dịch được phong tỏa phải dập dịch triệt để, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong ổ dịch. Nếu coi việc "khóa ổ dịch" rồi "mải miết" chống dịch nơi xung quanh thì "không khác gì nhà cháy đi khóa cửa lại".
Ngoài việc truy vết, phòng chống dịch ở mặt trận cộng đồng, Bộ Y tế lưu ý Bắc Ninh cần chú ý 4 mặt trận khác. Mặt trận "nóng" đầu tiên được nhắc tới là tại các xí nghiệp, công ty, khu công nghiệp, rút kinh nghiệm từ bài học Hải Dương cách đây không lâu.
Thứ hai là cơ quan công sở, đơn vị công quyền. Với mặt trận này, chuyên gia khuyến cáo phải siết chặt kỷ luật, tuân thủ quy chế phòng chống dịch, khai báo dịch tễ đầy đủ. Mặt trận thứ ba là bệnh viện và cơ sở y tế. Mặt trận thứ 4 được các chuyên gia lưu ý với Bắc Ninh là khu cách ly tập trung.
Thứ trưởng yêu cầu Bắc Ninh phải tổ chức rà soát lại, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo, phải thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ quan; thành lập ngay các tổ Covid cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng năng lực đội ngũ lấy mẫu, thành lập ngay tổ lấy mẫu xét nghiệm, từ Trung tâm Y tế huyện trở lên phải có tổ này.
Về việc thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh cần phê duyệt phương án này với kế hoạch chi tiết huy động nhân viên y tế cả dân sự và quân sự.