Ông Thuấn tham gia nhảy cùng 250 thành viên các đội chơi và ban tổ chức Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2, hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, tại công viên Tao Đàn. Năm ngoái, sự kiện này diễn ra tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội).
Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý, kêu gọi người dân dành thời gian tập luyện. Trong đó, việc tập luyện không cần phải vào giờ nào cụ thể mà có thể tranh thủ buổi sáng, giờ nghỉ hay buổi tối.
"Chúng ta có thể chạy, đi bộ, tập yoga hay bất cứ môn vận động nào theo sở thích và điều kiện, quan trọng là vận động mỗi ngày, dần dần sẽ thấy cơ thể biến chuyển tích cực", ông Thuấn nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế dẫn thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ghi nhận hơn một tỷ người trên thế giới đang mắc bệnh béo phì, dự báo tăng lên 1,9 tỷ vào năm 2035. Béo phì dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe, chất lượng sống cũng như áp lực gia tăng lên hệ thống y tế.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây nhiễm (liên quan thừa cân béo phì) cũng đang tăng nhanh. Tỷ lệ béo phì ở nước ta tăng gấp hơn hai lần trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đặc biệt, ở các đô thị lớn, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em rất cao. Con số này tại TP HCM là hơn 50% và Hà Nội là trên 41%, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2020.
Ông Thuấn cho rằng với sự hỗ trợ của công nghệ, người dân hiện có thể hướng dẫn vận động, thực hành dinh dưỡng với nhiều thành viên trong hội, nhóm qua video call. Điều này giúp mỗi người cải thiện sức khỏe bản thân, góp phần tạo nên cộng đồng khỏe mạnh, đóng vai trò rất lớn trong việc phòng bệnh, nâng cao tầm vóc người Việt và giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 cũng chính là ngày WHO ra đời cách đây 76 năm. Chủ đề năm nay là "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi", hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền của mọi người ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng, cũng như nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng...
Lê Phương