- Từ ngày 15/3, nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực, các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này đã chuẩn bị thế nào, thưa ông?
- Kỹ thuật mang thai hộ là lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra vẫn mang gene di truyền, nhóm máu của cha hoặc mẹ chứ không phải của người mang thai hộ.
Như vậy về mặt kỹ thuật không có sự khác biệt gì mấy đối với việc các đơn vị hiện nay vẫn làm. Ví dụ việc hiến phôi chỉ khác với mang thai hộ về mặt pháp lý. Mình tặng phôi cho người khác nếu mang thai, sinh ra được thì đứa trẻ là của họ. Còn với mang thai hộ thì mặc dù người mang thai hộ sinh con nhưng đứa trẻ lại thuộc về người nhờ mang thai hộ. Nơi được phép làm các kỹ thuật này đều là các trung tâm lớn, đã làm các kỹ thuật này hơn 10 năm nay.
Về luật cơ bản, các bệnh viện đều nắm được. Trước các cơ sở thực hiện theo nghị định 12 của Chính phủ về phương pháp sinh con khoa học; luật hiến phôi, tinh trùng, noãn, nay chỉ nâng cấp lên mang thai hộ.
Hiện nay các trung tâm đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký xin mang thai hộ. Đến nay đã khoảng 100 hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai hộ gửi đến 3 bệnh viện. Trong đó, riêng tại Bệnh viện Phụ sản trung ương đã có 10 hồ sơ.
- Theo phản ánh, quy trình xin phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ rất phức tạp, gây tâm lý căng thẳng cho nhiều cặp vợ chồng. Ông nghĩ sao?
- Cho phép mang thai hộ là quy định rất nhân văn nhưng không phải trường hợp nào cũng thực hiện được kỹ thuật này. Nói cách khác chỉ có những trường hợp tinh trùng của chồng, noãn của vợ bình thường, nhưng người vợ không thể mang thai mới chỉ định biện pháp mang thai hộ.
Các điều khoản quy định cũng hết sức chặt chẽ. Trước hết về y khoa người vợ có thể bị bệnh lý mà không thể mang thai như bệnh tim, thận, gan, phổi… hay người vợ không có tử cung. Về pháp lý cũng phải hết sức đầy đủ; người mang thai hộ là người trong dòng họ, cùng hàng chứ không phải mẹ hay cháu được phép mang thai hộ.
Ngoài ra, mặc dù là người trong gia đình thân thiết nhưng cũng phải làm các giấy tờ, biên bản cam kết. Ngay cả khi người nhờ mang thai hộ độc thân hay ly dị thì cũng mang giấy chứng nhận có dấu của chính quyền đến các Trung tâm hỗ trợ sinh sản để kiểm tra. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người nhận phôi xem có đảm bảo hay không: tuổi tác, bệnh lý... Khi đã kiểm tra đầy đủ thì các Trung tâm mới chỉ định thực hiện mang thai hộ. Nói thì đơn giản nhưng để thực hiện các quy trình này, giấy tờ về mặt pháp lý cũng phải mất thời gian.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Ảnh: N.P. |
- Luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhưng ranh giới giữa nhân đạo và thương mại rất mong manh, có giải pháp nào ngăn chặn các trường hợp thương mại?
- Vấn đề ở đây là các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải làm thật nghiêm, kiểm tra kỹ hồ sơ, kiểm soát đúng người mang thai hộ là cùng dòng, họ hàng liên quan. Cá nhân tôi cho rằng khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó. Các quy định của luật cũng hết sức chặt chẽ. Thỏa thuận mang thai hộ phải có thông tin đầy đủ, cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, lập thành văn bản có công chứng, có xác nhận của cơ sở y tế thực hiện và không được ủy quyền cho bên thứ ba.
Hơn nữa, hầu hết trường hợp mang thai hộ đều kết thúc bằng việc mổ lấy thai để an toàn nhất. Về mặt sức khỏe, một người không mổ lấy thai quá 2 lần, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó điều kiện đối với người mang thai hộ là phải đã có con. Bản thân người nhờ mang thai cũng không dám nhờ một người đã sinh mổ quá nhiều lần vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. Cũng vì thế bước đầu mới có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế và Từ Dũ.
- Cả nước hiện có 22 trung tâm hỗ trợ sinh sản, có thể thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong tương lai, khả năng cho phép các trung tâm thực hiện kỹ thuật mang thai hộ như thế nào?
- Thụ tinh trong ống nhiệm không chỉ có 3 bệnh viện nêu trên làm được, tuy nhiên bước đầu Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ ở 3 trung tâm lớn - đại diện cho 3 khu vực để tạo thuận tiện cho người dân. Sau một năm, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, thấy ổn thì sẽ cho phép các trung tâm khác đủ khả năng cho làm. Trung tâm lớn thì làm ca khó, trường hợp dễ hơn thì để các trung tâm khác làm. Các trung tâm này phải bảo đảm điều kiện: Một năm thực hiện được 300 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, có kinh nghiệm, không vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Về mặt pháp lý, cần đi từng bước cho chắc chắn. Tôi nghĩ khi triển khai kỹ thuật mang thai hộ sẽ không khó khăn gì. Nhiều khi người bệnh có cảm giác trung tâm gây khó khăn phiền hà nhưng không phải. Càng làm chặt chẽ, càng đúng luật thì sau này đỡ phiền toái cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn cũng như tránh biến tướng thương mại từ việc mang thai hộ.
Theo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường… |
Nam Phương thực hiện